Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đón nhận không gian mới, sứ mệnh mới để đồng hành cùng Ngành, cùng đất nước

20:17, 16/12/2023

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam (REV) tổ chức Đại hội khoá VIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 và Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Hội (1988-2023). Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

bằng-khen-bt.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tặng bằng khen cho Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam 2023.

Tham dự sự kiện có, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hoá, Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng; cùng các lãnh đạo ngành Thông tin và Truyền thông, Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam qua các thời kỳ,

Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thành lập ngày 17/12/1988. Ở thời điểm mới ra đời, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam là tập hợp của một đội ngũ đông đảo các cán bộ kỹ thuật về vô tuyến điện và điện tử thuộc lĩnh vực bưu điện, phát thanh, thông tấn xã, điện ảnh, các trường đại học…

Trải qua 35 năm hoạt động, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đã từng bước lớn mạnh và trở thành một tổ chức hội nghề nghiệp có uy tín trong nước và quốc tế. Trong 35 năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động giúp phổ biến các kiến thức cơ bản về vô tuyến điện tử và ứng dụng tin học nhằm tạo ra môi trường cho việc phát triển vô tuyến điện tử tại Việt Nam. 

Phát biểu chúc mừngHội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Hội Vô tuyến – Điện tử sinh ra trong đổi mới, gắn liền với đổi mới và góp phần vào đổi mới của đất nước. Đổi mới đã đưa thu nhập đầu người của Việt Nam tăng 40 lần, có thể nói là kỳ tích. 

Bộ trưởng cho biết, 50 năm qua đã chứng kiến các cuộc cách mạng máy tính, cách mạng Internet, cách mạng di động và cách mạng điện toán đám mây. Hiện nay đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI). Một số chuyên gia trong ngành này tin rằng cách mạng AI sẽ thay đổi thế giới của chúng ta nhiều hơn tất cả các cuộc cách mạng trên trong 50 năm qua cộng lại. Tất cả những sự thay đổi mang tính cách mạng ấy đều xoay quanh các lĩnh vực vô tuyến, điện tử và máy tính - là các lĩnh vực hoạt động của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Hội có thể tự hào với những thành tích đặc biệt và khác biệt của mình. 16 năm liên tục tổ chức thường niên Hội nghị quốc tế về các công nghệ tiên tiến trong truyền thông với sự tham dự của các đại diện đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. 26 năm liên tục tổ chức Hội nghị quốc gia về Điện tử-Truyền thông-Công nghệ thông tin của Việt Nam với hàng chục công trình được công bố mỗi năm. Hội có quan hệ mật thiết với tổ chức quốc tế uy tín nhất trong lĩnh vực vô tuyến, điện và điện tử IEEE. Có tạp chí khoa học bằng tiếng Anh JEC. 

BT1_2.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện.

Bộ trưởng nhấn mạnh, 3 chữ vô tuyến, điện tử và máy tính sẽ vấn tiếp tục gắn với Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam. Điện tử gắn với số hoá, vô tuyến với truyền đưa, và máy tính với lưu trữ và xử lý thông tin. Như vậy, là Hội liên quan đến toàn bộ ngành viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số - là nền tảng, là cốt lõi của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, quyết định việc Việt Nam có trở thành nước phát triển hùng cường thịnh vượng hay không. Sứ mệnh, nhiệm vụ là rất lớn lao, rất thách thức nhưng cũng vô cùng vẻ vang.

Cuối cùng, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh với Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam “Muốn phát triển, muốn có một trang mới thì đầu tiên phải là một không gian mới, và một sứ mệnh mới. Không gian mới của ngành Thông tin và Truyền thông cũng chính là không gian mới của Hội. Sứ mệnh mới của Hội là sứ mệnh làm chủ công nghệ. Làm chủ công nghệ thì đầu tiên và lâu dài là nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học luôn là sự khác biệt căn bản của Hội Vô tuyến - Điện tử so với các hội khác thuộc ngành Thông tin và Truyền thông. Bộ sẽ luôn bên cạnh, định hướng, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để Hội thực hiện sứ mênh mới của mình, trở thành hội hàng đầu về vô tuyến, điện tử và máy tính của khu vực và thế giới".

Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ của nhà nước và ngành TT&TT

Tại lễ kỉ niệm, Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam Trần Đức Lai cho biết, trong suốt gần 60 năm truyền thống và 35 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Vô tuyến Điện tử đã lớn mạnh về mọi mặt, với 1000 hội đến từ các Viện, Trường, doanh nghiệp trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông.

Trong 35 năm qua, Hội đã tổ chức được 26 Hội nghị quốc gia về Điện tử - Truyền thông và CNTT gọi tắt là REV-ESIP và 16 hội nghị quốc tế về các công nghệ tiên tiến trong truyền thông gọi tắt là APC; Đã hình thành 1 diễn đàn quốc tế và quốc gia cho các nhà khoa học, hàng năm đã thu hút được nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng, được cộng đồng khoa học đánh giá cao, các công trình được đăng trong Tạp chí tiếng Anh của Hội đã được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước trong nhiều nhiệm kỳ đánh giá là điểm công trình tối đa đến 1 điểm. Những hoạt động đó đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ Nhà nước nói chung và lĩnh vực Thông tin và Truyền thông nói riêng.

Chính từ công tác nghiên cứu khoa học này, Hội đã tạo ra mạng lưới hợp tác gắn kết giữa các khoa, viện, trường trong lĩnh vực Điện tử Viễn thông trên toàn quốc để hỗ trợ nhau về nội dung và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu. Cũng từ hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đã tạo điều kiện cho Hội có nhiều điều kiện quan hệ mật thiết với IEEE, tổ chức học thuật về Điện – Điện tử Viễn thông tầm cỡ lớn nhất thế giới trong các hoạt động khoa học - học thuật.

Ngoài ra, Hội luôn duy trì quan hệ hợp tác với 8 tổ chức quốc tế và quốc gia có chức năng, nhiệm vụ tương tự như Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam. Thông qua việc liên kết với các tổ chức quốc tế, Hội đã được các giáo sư, các nhà khoa học nước ngoài cung cấp tài liệu và đi sâu vào các lĩnh vực mới của thế giới về Điện tử - Truyền thông với IEEE Comsoc, được cung cấp tư liệu khoa học về ngành truyền thông, được tiếp cận bảo trợ kỹ thuật cho việc tổ chức các hội nghị khoa học mang tính quốc tế như APC và tiến tới là đồng tổ chức các hội nghị với IEEE.

CTHOI.jpg

Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam Trần Đức Lai.

Những năm qua, Hội thực hiện công tác tư vấn, phản biện, và đã được các Bộ, ngành tin tưởng giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện nhiều đề án, dự án lớn như dự án phóng vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam, Chuyển đổi số quốc gia, Quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông Quốc gia, quy hoạch các băng tần cho thông tin vô tuyến tại Việt Nam, các dự án sửa đổi Luật Tần số, Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử… rồi chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, và nhiều các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ cho các lĩnh vực Điện tử - Truyền thông – CNTT thực hiện chủ trương tự nghiên cứu, thiết kế chế tạo tại Việt Nam, Make in Viet Nam, theo các yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

Ngoài ra, hàng năm Hội còn tổ chức các lớp học, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về điện tử, phát thanh truyền hình, các lớp nâng cao trình độ công nghệ mới, các triển lãm khoa học và công nghệ… để phổ biến các nội dung cần thiết trong cộng đồng.

Nhân dịp này, Hội Vô tuyến – Điện tử và các cá nhân của Hội đã nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về những thành tích xuất sắc.

Chiều cùng ngày, Hội nghị Quốc gia lần thứ 26 về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin (REV-ECIT 2023) với chủ đề “Đổi mới - Truyền cảm hứng - Giải phóng sức mạnh công nghệ” đã diễn ra với nhiều phiên hội thảo chuyên đề. Hội thảo sẽ được chia làm 8 phiên kỹ thuật với các nội dung đang được quan tâm của như Truyền thông, Vô tuyến, Bảo mật phần cứng, Công nghệ thông tin và Mạng máy tính, Kỹ thuật Điện tử./.

Theo https://mic.gov.vn

https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/162428/Hoi-Vo-tuyen---dien-tu-Viet-Nam-don-nhan-khong-gian-moi--su-menh-moi-de-dong-hanh-cung-Nganh--cung-dat-nuoc.html