Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 2 và 3 tháng 5 năm 2019 với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng
Tại cuộc họp báo vừa diễn ra, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, diễn đàn được tổ chức dưới sự đồng chủ trì chỉ đạo và tổ chức của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Lãnh đạo Quốc hội.
Sự kiện được tổ chức nhằm hướng tới 3 mục tiêu lớn, đó là: Đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, những kết quả đạt được sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết 98-NQ/CP; nhìn nhận những đóng góp và thành tựu phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bảo vệ Tổ quốc; tạo kênh trao đổi, đề xuất, kiến nghị trực tiếp và hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức và doanh nhân tư nhân trong và ngoài nước về hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.
Chương trình là sự tích hợp giữa Phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) do Ban IV (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tổ chức và Diễn đàn Kinh tế tư nhân do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức.
Diễn đàn có sự phối hợp về chuyên môn của Ban Kinh tế Trung ương, Vụ Đổi mới Doanh nghiệp và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ, Ban IV (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính), và các Bộ liên quan bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 bao gồm Phiên toàn thể và 7 Hội thảo chuyên đề/Toạ đàm, triển lãm thành tựu của các doanh nghiệp tư nhân điển hình với sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp tiêu biểu từ các khối ngành. Mỗi phiên hội thảo thu hút sự có mặt của 250 – 300 đại biểu bao gồm: đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế; đại diện các doanh nghiệp của tư nhân trong cả nước; đại biểu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài, các hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà tài trợ trong nước và quốc tế; một số chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài; đại diện các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết, diễn đàn dành thời lượng lớn cho các cuộc đối thoại công – tư trong các phiên và đặc biệt dành không gian cho khu vực tư nhân “hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế”. Lãnh đạo các bộ, ngành liên quan sẽ tham gia đối thoại, giải đáp xung quanh các phản ánh, kiến nghị của doanh nhân tư nhân cũng như lắng nghe các hiến kế, giải pháp của khu vực tư nhân đóng góp cho các bài toán lớn của nền kinh tế.
Phiên toàn thể của Diễn đàn với chủ đề: “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 Khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ” được sự đồng chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Lãnh đạo Quốc hội và có sự góp mặt của gần 2.500 đại biểu trong nước và quốc tế.
Phiên toàn thể bao gồm phần khai mạc mở đầu với phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Phần 1 của Phiên toàn thể với chủ đề “Khu vực tư nhân hiến kế cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ” diễn ra dưới sự điều phối của ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV, Chủ tịch FPT; và Phần 2 “Đối thoại tháo gỡ các rào cản, nút thắt để kinh tế tư nhân phát triển bứt phá, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế” diễn ra dưới dự điều phối của ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Đặc biệt, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trước thềm Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ triển khai thu thập, lấy ý kiến của khoảng 500 doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu trong cả nước kết hợp với báo cáo của các bộ, ngành và báo cáo chuyên đề sau các kì Diễn đàn đối thoại công - tư do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) tổ chức với sự chủ trì và chỉ đạo của các Lãnh đạo Chính phủ để xây dựng Báo cáo về phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 Khóa XII. Trên cơ sở báo cáo do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, tổng hợp, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp thành các nhóm vấn đề lớn để chuyển các bộ, ngành xem xét, có ý kiến trả lời. Một số nội dung quan trọng sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sau đó Thủ tướng Chính phủ có thể chỉ đạo giải quyết ngay tại Diễn đàn.
Ban Tổ chức cũng giới thiệu có 7 Phiên hội thảo chuyên đề/ toạ đàm của Diễn đàn bao gồm: chuyên đề 1-Thu hút, tăng cường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam; chuyên đề 2 - các giải pháp nền tảng để phát triển Kinh tế số tại Việt Nam; chuyên đề 3- tận dụng và khai thác Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP để phát triển bứt phá; chuyên đề 4 - mở rộng và khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế; chuyên đề 5 - tạo lập các chuỗi nông - thủy sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trọng điểm; chuyên đề 6 - cơ hội cho các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam; toạ đàm: Nữ doanh nhân và khát vọng “vì một Việt Nam hùng cường - thịnh vượng”.
Theo Chinhphu.vn