Hơn 80% doanh nghiệp toàn cầu là nạn nhân của cuộc tấn công firmware
Theo Báo cáo tín hiệu bảo mật tháng 3/2021 của Microsoft, 80% doanh nghiệp trên toàn cầu là nạn nhân của ít nhất một cuộc tấn công firmware trong vòng hai năm qua. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khoảng 29% các tổ chức/doanh nghiệp phân bổ ngân sách để bảo vệ firmware.
Cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.000 lãnh đạo hoạt động trong lĩnh vực bảo mật của các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, hầu hết các khoản đầu tư bảo mật đều dành cho các bản cập nhật bảo mật, rà quét lỗ hổng và các giải pháp bảo vệ trước các nguy cơ mất an toàn thông tin. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn thông tin đến từ firmware lại trở thành một vấn đề đáng lưu ý khi 80% doanh nghiệp là nạn nhân của tấn công này.
Firmware là một loại phần sụn máy tính cung cấp khả năng kiểm soát cấp thấp cho một phần cứng cụ thể của thiết bị. Hiện nay, nó đang trở thành mục tiêu của tin tặc vì chứa các thông tin nhạy cảm như thông tin xác thực và khóa mã hóa. Theo dữ liệu của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ cho thấy sự gia tăng gấp 5 lần các cuộc tấn công vào firmware trong bốn năm qua.
Việc thiếu các khoản đầu tư tập trung vào bảo vệ firmware như bảo vệ dữ liệu nhân (Kernel) hoặc mã hóa bộ nhớ là một trong những thực tế đáng lo ngại. Báo cáo chỉ ra có 36% doanh nghiệp đầu tư vào mã hóa bộ nhớ dựa trên phần cứng và 46% đầu tư vào bảo vệ Kernel dựa trên phần cứng.
Cùng với đó, 21% những người có quyền ra quyết định thừa nhận rằng họ không thể theo dõi dữ liệu firmware. 82% người trả lời khảo sát của Microsoft thừa nhận họ không có đủ nguồn lực để phân bổ cho việc ngăn chặn các cuộc tấn công firmware.
Báo cáo cũng nhấn mạnh những rủi ro của các cuộc tấn công dựa trên phần cứng, như cuộc tấn công ThunderSpy nhắm vào các cổng Thunderbolt, sử dụng tính năng truy cập bộ nhớ trực tiếp (DMA) để xâm phạm các thiết bị truy cập vào bộ điều khiển Thunderbolt. May mắn, mức độ nhận thức về rủi ro từ firmware đang tăng lên, thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này.
Báo cáo cũng chỉ ra các công ty của Đức, Trung Quốc, Hoa Kỳ đã sẵn sàng đầu tư vào các giải pháp bảo mật với tỷ lệ 81%, 95% và 91%. Trong đó, những công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính lại chưa sẵn sàng bỏ vốn đầu tư các giải pháp bảo mật.
Minh Thùy (T/h)