Hơn 90% doanh nghiệp sản xuất muốn ưu tiên chuyển đổi số nhưng gặp nhiều rào cản

09:28, 23/08/2024

Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu ưu tiên chuyển đổi số, nhưng có khoảng 30%-40% đối tượng tham gian khảo thừa nhận quá trình này gặp nhiều khó khăn trở ngại, bao gồm chi phí và nguồn lao động, mở rộng quy mô các giải pháp công nghệ cũng như xu hướng hội tụ của công nghệ thông tin và công nghệ vận hành (IT/OT)...

Ảnh minh họa

Đây là những phát hiện chính của kết quả nghiên cứu tầm nhìn trong ngành sản xuất năm 2024 được Zebra Technologies Corporation công bố chiều ngày 22/8/2024. Nghiên cứu cũng đưa ra những xu hướng, ưu tiên ứng dụng công nghệ, tự động hóa vào sản xuất để các doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất các nhà máy, nắm bắt những thay đổi của thị trường.

NHỮNG RÀO CHUYỂN ĐỔI SỐ SẢN XUẤT

Nghiên cứu cho thấy trên toàn cầu, 61% doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2029, tăng từ mức 41% của năm 2024.

Tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, 68% doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng AI sẽ thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2029, tăng từ mức 46% của năm 2024.

Sự gia tăng trong ứng dụng AI, cùng với kết quả 92% đối tượng tham gia khảo sát trên toàn cầu và 87% ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương ưu tiên chuyển đổi số, thể hiện mong muốn của các doanh nghiệp sản xuất trong việc cải thiện quá trình quản lý dữ liệu, đồng thời triển khai các công nghệ mới nhằm nâng cao khả năng hiển thị giám sát và chất lượng trong suốt quá trình sản xuất. 

Mặc dù chuyển đổi số là ưu tiên chiến lược của nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua để tạo ra một nhà máy được kết nối hoàn toàn.

Khả năng hiển thị giám sát là yếu tố then chốt để tối ưu hóa hiệu quả, năng suất và chất lượng tại nhà máy, tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách đáng kể. Theo đó, chỉ 16% lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất toàn cầu cho biết có hệ thống giám sát công việc đang tiến hành theo thời gian thực trong toàn bộ quy trình sản xuất, trong khi đó với các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu ở châu Á- Thái Bình Dương, con số này cao hơn (mức 25%).

Trong khi gần 6/10 doanh nghiệp sản xuất hàng đầu kỳ vọng sẽ tăng khả năng hiển thị giám sát trong toàn bộ quá trình sản xuất và toàn chuỗi cung ứng vào năm 2029, thì khoảng 1/3 nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sự thiếu nhất quán giữa IT và OT trong lựa chọn các dự án đầu tư là rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi số.

Ngoài những trở ngại này, 86% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất toàn cầu và 82% ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cho biết đang phải cố gắng để có thể theo kịp tốc độ đổi mới sáng tạo và tích hợp các thiết bị, cảm biến và công nghệ một cách an toàn trong toàn bộ cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng.

Theo ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch kinh doanh khu vực Đông Nam Á (SEA), Hàn Quốc và kênh phân phối tại châu Á- Thái Bình Dương, Nhật Bản trừ Trung Quốc (APJeC), Zebra Technologies, “các nhà sản xuất thường gặp khó khăn muốn sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả. Vì vậy, họ cần áp dụng AI và các giải pháp công nghệ số để tạo ra một môi trường sản xuất linh hoạt, tối ưu, tự động hóa và tăng cường quy trình công việc, xây dựng nhà máy được kết nối, nơi công nghệ hỗ trợ con người ở quy mô lớn.”

NHIỀU NGÀNH SẢN XUẤT CỦA VIỆT NAM ĐANG TĂNG TỐC SỐ HÓA, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ MỚI

Cũng theo kết quả nghiên cứu, các nhà sản xuất đang thay đổi chiến lược tăng trưởng bằng cách tích hợp và tăng cường sức mạnh cho lực lượng lao động với AI và các công nghệ khác để chuyển đổi hoạt động sản xuất cũng như xây dựng lực lượng lao động lành nghề trong 5 năm tới.

Có tới 73% nhà lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất toàn cầu có kế hoạch đào tạo lại lao động để nâng cao kỹ năng sử dụng dữ liệu và công nghệ. Nguyên nhân do có 7/10 doanh nghiệp kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cho người lao động bằng công nghệ hỗ trợ di chuyển.  

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất cấp cao, trong lĩnh vực IT và OT cho rằng các mục tiêu về nguồn nhân lực sẽ không chỉ đơn thuần giúp cải thiện hiệu quả và năng suất của người lao động bằng công nghệ. 6/10 nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng ưu tiên hàng đầu là phát triển liên tục, đào tạo lại/nâng cao kỹ năng và phát triển lộ trình sự nghiệp để thu hút nhân tài trong tương lai.

Về triển khai công nghệ của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất, trong 5 năm tới, nhiều kế hoạch triển khai robot (65% trên toàn cầu, 72% ở khu vực), giám sát bằng hình ảnh, nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) và máy quét mã vạch công nghiệp cố định…

Khi các nhà sản xuất muốn triển khai số hóa, không nhất thiết phải là các dự án hàng triệu USD. Mục tiêu đặt ra có thể tham vọng nhưng hãy bắt đầu từ quy mô nhỏ để dễ triển khai.

Tại Việt Nam, ngành sản xuất đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm hơn 20% GDP của cả nước. Việt Nam đặt mục tiêu cho lĩnh vực sản xuất dự kiến đóng góp 30% vào tổng GDP. Mỗi năm, đóng góp của ngành này vào GDP sẽ tăng hơn 8,5% và năng suất lao động sẽ tăng 7,5%. Trong tổng mức tăng trưởng kinh tế, ngành sản xuất đóng vai trò rất quan trọng.

Bên cạnh đó, theo ông Christanto Suryadarma, đã và đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài FDI tới Việt Nam đầu tư. Năm 2023, ngành sản xuất đã thu hút 20 tỷ USD vốn đầu tư FDI, chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Điều này thể hiện tiềm năng phát triển của ngành sản xuất ở Việt Nam. Việt Nam cũng đã tạo ra một ngành sản xuất phát triển ổn định, bền vững như dệt may, da giày, điện tử, máy móc, chế biến thực phẩm… Việt Nam nổi lên như một tâm điểm sản xuất lớn ở khu vực châu Á, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử và dệt may.

Theo chuyên gia, để đạt được những mục tiêu này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng nhu cầu đào tạo lại và trang bị kỹ năng mới cho lực lượng lao động của mình để duy trì tính cạnh tranh. Áp dụng AI và các công nghệ tiên tiến là rất quan trọng để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng cũng như tinh giản hoạt động.

Ông Christanto Suryadarma cho rằng trong số các trụ cột tạo ra lợi thế của nền kinh tế, số hóa các ngành sản xuất, triển khai các công nghệ sản xuất thông minh, hiện đại hóa, tự động hóa sản xuất là một trong những trụ cột quan trọng.

Hiện nay, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đang tăng tốc số hóa, ứng dụng các công nghệ mới hiện đại, tối ưu hóa hoạt động sản xuất ở các quy mô khác nhau. Khi các nhà sản xuất muốn triển khai số hóa, không nhất thiết phải là các dự án hàng triệu USD. "Mục tiêu đặt ra có thể tham vọng nhưng hãy bắt đầu từ quy mô nhỏ để dễ triển khai", chuyên gia này khuyến nghị.