Hợp đồng lớn nhất trong lịch sử thương mại Mỹ - Việt vừa được ký
VietJet Air hôm qua, 23/5 đã xuất hiện tràn ngập trên báo chí với tin ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD đặt mua tới 100 chiếc 737 MAX 200 với Boeing
Với việc tiếp tục mua 100 tàu bay, VietJet nay trở thành một trong những hãng hàng không giá rẻ phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á. Trước đó, hãng đã ký mua từ Airbus của châu Âu 100 chiếc hồi 6/2013 trong hợp đồng trị giá trên 9 tỷ USD và mua bổ sung 30 chiếc hồi 11/2015 trị giá gần 3,5 tỷ USD.
Hợp đồng vừa ký với sự chứng kiến của Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang được coi là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử thương mại Mỹ - Việt. Đây cũng là thương vụ có tính lịch sử đối với Boeing với việc giành được hợp đồng lớn với hãng vốn trước nay chỉ dùng máy bay của đối thủ cạnh tranh, Airbus.
Hợp đồng với VietJet Air đưa danh sách đơn đặt hàng thương mại của Boeing vượt lên hẳn với tổng số 275 chiếc, bỏ xa số lượng 92 chiếc mà Airbus đang có trong tay tính đến thời điểm này, theo thống kê của trang tin bidnessetc. "Việc VietJet Air mua 100 chiếc Boeing của Mỹ là hệ quả của một tiến trình phát triển quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam," Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng từ TP.HCM bình luận với BBC. "Tôi nghĩ là quan hệ này sẽ tiếp tục, đặc biệt là trong bối cảnh hiệp định hợp tác thương mại TPP có thể có hiệu lực trong vài năm tới. "Thỏa thuận với Boeing chắc chắn đã được thương thảo từ lâu, theo kinh tế gia Bùi Kiến Thành, nhưng việc ký kết đúng thời điểm Tổng thống Obama tới thăm Việt Nam "cho thấy sự phát triển quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ với Việt Nam".
Với các hợp đồng đã ký, lượng máy bay của VietJet sẽ tăng mạnh trong những năm tới, trong lúc hãng hiện chỉ mới chủ yếu khai thác các đường bay quốc nội và các chặng bay quốc tế ngắn. Việc liên tiếp ký các hợp đồng tiền tỷ trong vài năm qua cho thấy VietJet có những bước tiến to lớn, các chuyên gia nhận xét. "Đây là một bước đi rất đáng kể," Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, tuy nhiên, cũng cần chờ xem kế hoạch kinh doanh của VietJet sắp tới ra sao.
Tiến sỹ Hiếu cho rằng đây là hãng máy bay hoạt động khá hiệu quả và còn nhiều tiềm năng khai thác ở thị trường nội địa. "Nhu cầu đi lại của mọi người là rất lớn trong lúc thu nhập bình quân đầu người đã tăng hơn nhiều trong thời gian qua. Thị trường hàng không sẽ càng ngày càng lớn, dẫn đến ngày càng cần có nhiều các hãng hàng không giá rẻ để đáp ứng nhu cầu dân chúng.
"Trong lúc đó, kinh tế gia Bùi Kiến Thành đánh giá VietJet rất có triển vọng chiếm lĩnh thị trường khu vực nhờ lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam. "Việc phát triển hàng không khu vực từ Việt Nam là rất thuận lợi, bởi chỉ cần hai giờ bay từ Hà Nội hoặc TP.HCM là đã có thể đến được Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc, tức là những nơi chiếm gần nửa dân số thế giới. "Do đó, VietJet Air có nhiều cơ hội để phát triển, và nếu đáp ứng được thị trường hàng không của Đông Nam Á và vùng châu Á - Thái Bình Dương thì "điều đó sẽ kéo nền kinh tế Việt Nam tiến lên, ít nhất là trong lĩnh vực hàng không, vận tải", ông Bùi Kiến Thành nhận định.
Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả đội bay hơn 200 chiếc, sẽ có rất nhiều vấn đề cần được phát triển đồng bộ, theo đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chẳng hạn như "lượng hành khách phải đủ, các đường bay nội địa và nhiều cụm cảng hàng không khác cần được khai triển, cần thêm nhiều sân bay được cải thiện hoặc xây mới". Đây là những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của một hãng hàng không tư nhân.
telecomit.vn theo BBC