Huawei chuyển hướng đầu tư sang Nga để tìm kiếm cơ hội mới
Kể từ lệnh cấm kép mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt lên gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, các công ty Mỹ đang phải đối mặt với những tổn thất cùng nhiều rủi ro tiềm ẩn sau khi mất đi đối tác quan trọng này.
Thay vì dậm chân tại chỗ, Huawei trong tay nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã quyết định tìm kiếm cơ hội từ một quốc gia khác.
“Sau khi chính phủ Mỹ đưa chúng tôi vào danh sách hạn chế, Huawei đã chuyển những khoản đầu tư của mình sang Nga, tăng cường đầu tư cũng như mở rộng, tăng lương cho đội ngũ các nhà nghiên cứu Nga”, ông Nhậm Chính Phi tuyên bố trong chuyến thăm các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc vào tháng 7/2020, dẫn lời bởi Đại học Giao thông Thượng Hải.
Tính đến nay, Huawei đang là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới. Không chỉ thế, gã khổng lồ này còn vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh có doanh số lớn nhất trong quý II/2020.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng, Huawei đang bị đem ra làm quân bài chính trị trong trò chơi quyền lực của hai nước.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh cấm mở rộng nhắm vào mảng chip bán dẫn của Huawei, tương lai của công ty ngày càng trở nên bấp bênh.
Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 15/9, Huawei Technologies sẽ không có quyền tiếp cận bất cứ nguồn cung cấp chip bán dẫn nào có liên quan đến công nghệ Mỹ.
Lệnh cấm kép của ông Trump là bản án tử hình đối với Huawei. Ảnh: Huawei.
Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh công nghệ Trung Quốc 2020, Richard Yu, CEO mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei đã xác nhận do những ảnh hưởng từ lệnh cấm, công ty sẽ không thể xuất xưởng các dòng thiết bị cầm tay sử dụng chip xử lý tự phát triển Kirin sau năm 2020.
“Nếu bạn muốn thực sự mạnh mẽ, bạn phải học hỏi từ mọi người, kể cả kẻ thù. Huawei sẽ tiếp tục trên con đường tự cải thiện và cởi mở”, nhà sáng lập Huawei cho biết.
Theo Financial Times, bên cạnh việc đầu tư vào nhiều quốc gia khác, công ty công nghệ Trung Quốc đang ấp ủ kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh điện toán đám mây. Đầu năm 2020, mảng điện toán đám mây của Huawei được đánh giá đã phát triển ngang hàng lĩnh vực kinh doanh thiết bị viễn thông và smartphone.
Theo SMCP, các nhà cung cấp chip bán dẫn chịu tác động từ lệnh cấm đang tiếp tục vận động chính quyền ông Trump nới lỏng những biện pháp hạn chế. Theo đó, hai nhà cung cấp chip bán dẫn là Qualcomm và MediaTek đã nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ để được cấp phép cung cấp chip cho Huawei.
“Dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng không có bất kỳ mặc cảm nào với chính phủ Mỹ. Những hành động này là do một số chính trị gia và không đại diện cho công ty Mỹ, trường học cũng như xã hội Mỹ”, ông Nhậm Chính Phi nhận xét.
Châu Anh