Hủy buổi phóng đưa vệ tinh NanoDragon của Việt Nam lên quỹ đạo
Sáng nay Nhật Bản thông báo sẽ hủy buổi phóng tên lửa đưa vệ tinh NanoDragon do Việt Nam tự chế tạo và sản xuất lên quỹ đạo do vẫn còn cần kiểm tra lại một vài lỗi kỹ thuật chưa hoàn thiện. Thời gian rời lại chính thức vẫn chưa có lịch cụ thể.
Sáng nay (1/10), nếu theo đúng kế hoạch, lúc 7h48 giờ Việt Nam (tức 9h48 giờ Nhật Bản), vệ tinh NanoDragon - vệ tinh thứ ba sau PicoDragon (2013) và MicroDragon (2019) do Việt Nam tự chế tạo và sản xuất, sẽ chính thức đưa lên quỹ đạo tại địa điểm phóng là Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản.
Tuy nhiên, tới 7h57, bên phía Nhật Bản thông báo sẽ hủy buổi phóng ngày hôm nay do vẫn còn cần kiểm tra lại một vài lỗi kỹ thuật chưa hoàn thiện. Thời gian rời lại chính thức vẫn chưa có lịch cụ thể.
Các chuyên gia, nhà khoa học Nhật Bản đang hoàn tất những khâu cuối cùng trước khi chính thức tên lửa Epsilon 5 cùng NanoDragon vào không gian.
Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản, tham gia phóng cùng vệ tinh của Việt Nam lần này có tất cả 9 vệ tinh, bao gồm: 1 vệ tinh chính là vệ tinh RAISE-2 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản; 4 vệ tinh lớp micro; 4 vệ tinh lớp cubesat (vệ tinh nhỏ), trong đó bao gồm NanoDragon (3,8kg) của VNSC phối hợp cùng Công ty TNHH điện tử Meisei, cùng 3 vệ tinh khác của Nhật Bản.
Thông tin về thứ tự phóng các vệ tinh ở tên lửa Epsilon 5 trên không gian, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ là lớp tách thứ 11 - lớp tách cuối cùng của tên lửa khi đạt tới độ cao 576km với vận tốc 7,6km/s, thời gian ước tính để tới quá trình hoạt động của chính thức của NanoDragon trong lần phóng này là 1 giờ 11 phút 38 giây.
Các chuyên gia Nhật Bản lắp đặt vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào ống phóng của tên lửa.
Sau hơn 4 năm nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) đã hoàn thành xuất sắc dự án nằm trong lộ trình phát triển Vệ tinh nhỏ “Made in Vietnam” của VNSC, nhằm thực hiện “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030” - văn bản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 04/02/2021.
Về cấu tạo và vị trí hoạt động, NanoDragon (NDG) là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 ´ 100 ´ 340,5 mm), dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.
Được biết, toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam bởi các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm vũ trụ Việt Nam, tới ngày 11/8/2021, NanoDragon mới được vận chuyển từ Sân bay Nội Bài tới Tokyo chuẩn bị các bước xét duyệt tiền kỳ cho ngày trọng đại hôm nay.
Vệ tinh NanoDragon trong phòng sạch của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Vệ tinh có hai nhiệm vụ, trong đó thứ nhất là để chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS) sử dụng với mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
Tiếp theo, vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển, xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ.
Cũng thông qua dự án mang tính đột phá này, các kỹ sư Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp thu kiến thức cơ bản về công nghệ vệ tinh mà còn được trực tiếp tham gia thực hành chế tạo vệ tinh micro, tích lũy kinh nghiệm trong quy trình phát triển vệ tinh.
Theo VNSC, sau NanoDragon, vào cuối năm 2023, vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến được đưa lên quỹ đạo. Đây sẽ là vệ tinh quan sát trái đất sử dụng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và rất phù hợp với điều kiện khí hậu của chúng ta.
Khôi Nguyên (T/h)