Kế hoạch 399 chống hàng giả trên thương mại điện tử: “Gian thương” liệu có thoát?
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa ban hành "kế hoạch 399, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử".
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vừa ký ban hành "kế hoạch 399, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử". Kế hoạch này có hiệu lực từ 1/11/2020 đến ngày 31/10/2023.
Bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trên các nền tảng thương mại điện tử là một vấn nạn trong thời gian gần đây. Để chủ động, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, kế hoạch 399 được ban hành được kỳ vọng là công cụ góp phần sạch môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trước khi hệ thống pháp luật quản lý về thương mại điện tử được hoàn thiện.
Thành lập tổ công tác thực hiện
Để triển khai kế hoạch này, Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã ký quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra thực hiện kế hoạch 399. Tổ công tác bao gồm đại diện của các bộ ngành như: Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia, Cục thương mại điện tử kinh tế số, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), Tổng cục thuế, Tổng cục hải quan (Bộ Tài chính), Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông, Cơ quan thanh tra - giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ công an).
Hàng tháng, tổ công tác này sẽ xây dựng hoạt động theo chuyên đề cụ thể. Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia cho biết tổ công tác sẽ xây dựng 1 chương trình hành động để tập hợp các thành viên, nắm bắt tình hình, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương nhận diện và tổ chức phương án phối hợp để đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia.
"Chúng tôi sẽ bàn từng tháng sẽ xây dựng từng chuyên đề và trên cơ sở đó sẽ đúc rút những kinh nghiệm, thuận lợi và triển khai cho đơn vị địa phương biết. Có những khó khăn vướng mắc sẽ báo cáo Lãnh đạo Ban để có điều kiện xây dựng cơ sở chính sách thuận lợi cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ", ông Thế cho hay.
Rà soát, phân loại các tên miền, các website, mạng xã hội
Một trong các nhiệm vụ của tổ công tác là sẽ tiến hành rà soát, phân loại danh sách các trang web ứng dụng thương mại điện tử. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các tổ chức có liên quan để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tên miền, các website, mạng xã hội đối tượng ở nước ngoài và đối tượng sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới để hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật nước Việt Nam. Xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử;
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử. Tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Một trong các nhiệm vụ của tổ công tác là sẽ tiến hành rà soát, phân loại danh sách các trang web ứng dụng thương mại điện tử.
Xử phạt các cá nhân, tổ chức tiếp tay, bao che
Tổ công tác cũng tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật, xây dựng các giải pháp tổng thể để bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Đồng thời khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; phát hiện, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật. Ngoài ra, các sản phẩm dễ bị làm giả, nhái cũng sẽ được đưa vào nhận diện để phòng ngừa.
Tổ công tác cũng tiếp nhận và giải quyết kịp thời những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử.
"Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các Hiệp hội. Các hiệp hội sẽ đưa ra các sản phẩm, nhóm ngành nào dễ bị và đang bị làm giả để bán trên các kênh thương mại điện tử, qua đó tổ chức nhận diện để đấu tranh", ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia nhấn mạnh.
Kế hoạch 399 sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm từ 1/11/2020 đến 31/10/2023. Một kế hoạch dài hơi như thế này được kỳ vọng sẽ góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho nhà nước, hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả.
Theo VTV