Khai mạc WITFOR 2009: Cơ hội chia sẻ và hợp tác phát triển CNTT-TT
Hôm nay, WITFOR 2009 sẽ diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện này sẽ kéo dài trong 3 ngày từ 26 – 28/8/2009 với chủ đề “CNTT vì sự phát triển bền vững”.
WITFOR 2009: Cơ hội chia sẻ và hợp tác phát triển CNTT-TT
WITFOR – Diễn đàn Thế giới về CNTT - do Liên hiệp quốc tế về Khoa học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (IFIP) nêu sáng kiến và tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003 - với mục tiêu tăng cường hợp tác, hỗ trợ các nước đang phát triển, tăng cường thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội làm nền tảng cho việc thực hiện “Mục tiêu thiên niên kỷ” do LHQ đề ra và triển khai “Kế hoạch hành động” của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Xã hội Thông tin (WSIS).
Với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đến từ trên 70 quốc gia và tổ chức quốc tế, WITFOR 2009 sẽ tập trung vào không chỉ các nội dung liên quan đến ứng dụng CNTT như: Chính phủ điện tử, hạ tầng truyền thông, kinh nghiệm và chính sách phát triển CNTT hay phần mềm mã nguồn mở…, mà còn tập trung vào các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội như: nông nghiệp, y tế, môi trường, giáo dục cũng như vai trò phụ nữ trong sự phát triển CNTT… WITFOR 2009 cũng chú trọng đến sự đóng góp của ngành CNTT vào phát triển kinh tế với các chủ đề thảo luận về cơ hội kinh tế, chính sách hỗ trợ về công nghiệp CNTT và mô hình hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT.
Với những mục tiêu trên và xoay quanh chủ đề xuyên suốt “CNTT vì sự phát triển bền vững”, WITFOR 2009 sẽ bao gồm 7 phiên họp toàn thể cùng 32 phiên họp chuyên đề của 8 tiểu ban chuyên môn, đi sâu thảo luận các vấn đề kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực khác nhau.
Song song với các phiên họp, WITFOR 2009 còn diễn ra các hoạt động bên lề như các hoạt động giao lưu, đối ngoại, xúc tiến kinh doanh và các hoạt động truyền thông quảng bá nhằm góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả của diễn đàn lần này trong việc nâng cao nhận thức, khả năng hành động không chỉ đối với cộng đồng CNTT mà còn đối với xã hội Việt Nam trong ứng dụng và phát triển CNTT, cũng như quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và bạn bè thế giới.
Như vậy, không chỉ là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác phát triển CNTT-TT, Diễn đàn WITFOR 2009 còn là cơ hội để các doanh nghiệp CNTT Việt Nam tìm kiếm các đối tác kinh doanh về CNTT đến từ hơn 70 quốc gia trên thế giới. Đối với các tổ chức giáo dục và đạo tạo cũng như các học sinh, sinh viên Việt Nam, thông qua Diễn đàn họ sẽ có cơ hội được giao lưu tiếp cận với các chương trình nghiên cứu, học tập trong lĩnh vực CNTT của các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới.
Ở góc độ đưa ứng dụng CNTT phục vụ sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác như nông nghiệp, y tế, giáo dục, môi trường…, WITFOR 2009 cũng là dịp để các Bộ, ngành của Việt Nam rút kinh nghiệm, tìm hiểu công nghệ và nắm bắt nhu cầu, khả năng ứng dụng CNTT của mỗi ngành nhằm đầu tư cho ứng dụng CNTT một cách hiệu quả đối với từng lĩnh vực cụ thể.
CNTT-TT: Đòn bẩy đưa Việt Nam vươn lên
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận về ứng dụng và phát triển CNTT-TT, không chỉ trong hoạt động của cơ quan nhà nước, trong công nghiệp CNTT mà còn trong đời sống hàng ngày của người dân từ thành thị đến nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT đang được tích cực xây dựng và hoàn thiện, với hệ thống các Luật giao dịch điện tử và Luật CNTT đã được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc ứng dụng CNTT trong hầu hết các mặt kinh tế xã hội, mà tiên phong là hoạt động quản lý nhà nước, tài chính và ngân hàng. Các Nghị định của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, về chữ ký số, chứng thực số, về giao dịch điện tử trong tài chính và ngân hàng đã góp phần đẩy nhanh quá trình tin học hóa trong các lĩnh vực trên...
Để thúc đẩy thị trường Internet và viễn thông, trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý Internet, viễn thông và chống thư rác, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực này. Tính đến tháng 7/2009, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt 21.571.409 người, chiếm 25,14% dân số, tăng hơn 10 lần so với năm 2003 và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Lưu lượng kết nối Internet năm 2009 đã tăng hơn 22 lần so với năm 2004.
Ngành công nghiệp CNTT tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt và ổn định trong những năm vừa qua, đạt 3 tỷ USD năm 2006, 3,6 tỷ USD năm 2007, trong đó tỷ trọng công nghiệp phần mềm cũng có những bước tăng đáng kể, đạt hơn 360 triệu USD năm 2006. Năm 2008, mặc dù kinh tế suy thoái nhưng ngành CNTT của Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 20%.
Về nhân lực CNTT, tính đến thời điểm cuối năm 2007, Việt Nam có khoảng 35.000 lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp phần mềm, trên 20.000 lao động trong các doanh nghiệp nội dung số và dịch vụ CNTT; gần 100.000 lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp điện tử, phần cứng máy tính; gần 100.000 lao động trong các doanh nghiệp viễn thông và ước tính khoảng 90.000 nhân lực chuyên trách ứng dụng CNTT trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành khác. Hàng năm số lượng nhân lực này tăng thêm từ 20-30 ngàn lao động, được đào tạo từ hơn 400 trường đại học, cao đẳng và trung tâm tin học trên toàn quốc.
Các chủ trương và chính sách phát triển toàn diện CNTT đã được Chính phủ Việt Nam xây dựng qua từng giai đoạn và có những điều chỉnh phù hợp để đẩy mạnh hơn nữa quá trình đưa Việt Nam thành một nước mạnh về CNTT và phát triển chính phủ điện tử thành công trong thời gian tới. Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia mạnh về CNTT trên thế giới, đưa ngành công nghiệp phần mềm, các dịch vụ CNTT thành hướng phát triển kinh tế kỹ thuật mũi nhọn.
Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ vị thế của mình trên trường quốc tế, việc tổ chức Diễn đàn WITFOR 2009 góp phần khẳng định vai trò của Việt Nam trong các hoạt động của hệ thống LHQ, đồng thời thể hiện quyết tâm của Việt Nam nỗ lực hợp tác với cộng đồng thế giới trong việc triển khai kế hoạch hành động của Hội nghị Thượng đỉnh Xã hội thông tin WSIS do Liên Hiệp quốc khởi xướng.