Khai mại Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022
Hội nghị thu hút sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia hàng đầu về chính sách, công nghệ blockchain Việt Nam và thế giới.
Ngày 19/10, Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 (Vietnam Blockchain Summit 2022) lần đầu tiên đã chính thức được khai mạc. Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (Vietnam Blockchain Association) phối hợp tổ chức.
Các đại biểu chia sẻ tại sự kiện.
Sự kiện thu hút hơn 1.000 đại biểu với hơn 50 diễn giả, trong đó có gần 150 đại biểu quốc tế đến từ hơn 30 nền kinh tế - là những cường quốc về công nghệ blockchain trong khu vực và trên thế giới như: UAE, Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Hàn Quốc…
Trong những năm gần đây, công nghệ chuỗi khối - blockchain đã trở thành công nghệ tiên phong và đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Blockchain có tiềm năng rất lớn và đang nhanh chóng được ứng dụng vào hầu hết các ngành, cách lĩnh vực, tạo ra mô hình sản xuất kinh doanh mới, đem lại sự phát triển đột phá. Một số báo cáo cho thấy, thị trường blockchain toàn cầu được định giá 4,67 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 7,18 tỷ USD năm 2022, và 163,83 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 56,3% trong giai đoạn này.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ: “Blockchain có những đặc tính rất tuyệt vời là chống giả mạo, là minh bạch, là phi tập trung. Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc tạo ra các Digital Twin (Sinh đôi số) trong thời đại chuyển đổi số toàn diện. Blockchain đang tạo ra những bước đột phá trong nhiều ngành".
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT phát biểu.
Theo ông Trương Gia Bình, năm 2021, lĩnh vực tài chính, 6.000 tỷ USD được giao dịch chỉ với 1 nền tảng Etherum, so với 1,250 tỷ USD trên Paypal, 13,000 tỷ USD trên VISA. Một loạt các quốc gia như UAE, Estonia, Luxembourg, Thụy Sỹ… đã đưa blockchain vào quản lý dân cư, căn cước điện tử. IBM, Amazon, Mc Kinsey đã đưa blockchain trong quản trị chuỗi cung ứng. Thế giới sẽ tiết kiệm được 450 tỷ USD thương mại hàng năm do hàng giả và giảm thiểu hàng trăm ngàn người tử vong với 10% thuốc giả khi ứng dụng blockchain trong những lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện tại là một trong những thị trường tiềm năng nhất cho blockchain. Các dự án blockchain được phát triển tại Việt Nam gây được tiếng vang trên thị trường thế giới, tạo ra nhiều nền tảng, giải pháp công nghệ blockchain hữu ích, thu hút nhiều nhà đầu tư. 200 doanh nghiệp Top đầu thế giới về blockchain thì có hơn 10 là doanh nghiệp Việt Nam. Đây là tiền đề để các dự án blockchain tại Việt Nam tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng kiến tạo những hành lang cho các công nghệ mới phát triển phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hướng tới tạo ra những sự tăng trưởng đột phá. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2117/QĐ-TTg, ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có công nghệ blockchain.
Ngày 15/6/2021, tại Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain từ năm 2021 đến 2023. Chính phủ cũng có những chính sách ủng hộ mạnh mẽ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới như AI, blockchain, VR/AR/XR…
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu.
Tại sự kiện, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ: “Trong khi cơ sở dữ liệu truyền thống chỉ theo dõi hồ sơ cho các thực thể đơn lẻ, blockchain kết nối một nhóm các thực thể và cho phép dữ liệu được đồng bộ hóa giữa nhiều bên liên quan độc lập. Chính vì thế mà công nghệ blockchain đang mở ra những ứng dụng mới trong nền kinh tế toàn cầu".
Theo ông Phan Đức Trung, Hội nghị thượng đỉnh Blockchain nhằm tạo ra các kết nối hiệp thương công nghệ, đóng góp vào sự thúc đẩy nên kinh tế số trong thời gian tới. Sự kiện sẽ phổ cập đầy đủ các tính năng đặc biệt của công nghệ này và ghi nhận đề xuất về chính sách khi các tổ chức trong nước và quốc tế phát triển mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam.
Trong tương lai, khi công nghệ blockchain làm cơ sở hạ tầng kinh tế, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương hay còn được gọi là CBDC sẽ là bước tiến cần thiết trong các thương mại tiền tệ hợp pháp giữa các quốc gia trên thế giới. Lúc này, CBDC sẽ được thiết kế như một nền tảng dịch vụ tài chính nhằm thu hẹp nhiều khoảng cách trong hệ thống thị trường số ngày nay.
Vietnam Blockchain Summit 2022 bao gồm nhiều hoạt động: Hội nghị, Triển lãm trưng bày các nền tảng, giải pháp blockchain, networking. Các diễn giả tập trung bàn thảo sâu về: Xu hướng phát triển các nền tảng, công nghệ blockchain; Phát triển nguồn nhân lực blockchain cho Việt Nam; Khuyến nghị chính sách tiếp cận blockchain…
Hội nghị do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (Vietnam Blockchain Association) phối hợp tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.