Khám phá cuộc sống sinh viên du học thời công nghệ cao

00:00, 23/03/2010

Ngày nay chuyện du học đã đã không còn xa lạ đối với người dân Việt Nam. Các đại học danh tiếng trên toàn thế giới đều có sự xuất hiện của sinh viên Việt Nam. Dù xa xôi về khoảng cách địa lý, nhưng nhờ có sự xuất hiện của các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại mà việc liên lạc với gia đình và người thân đã không còn quá khó khăn. Đồng thời, cũng nhờ sự “phủ sóng” của những công nghệ hiện đại mà việc “học” trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn và không kém phần thú vị.

 

Học thời công nghệ cao

Bước vào khuôn viên đại học Audencia (Nantes, Pháp) - thuộc top 100 trường đào tạo MBA tốt nhất thế giới - bất cứ đâu cũng có thể gặp hình ảnh các sinh viên một mình ôm laptop, gặm bánh mì, hoặc túm tụm trên ghế đá sân trường, thậm chí nằm dài trên cỏ gõ máy tính lạch cạch.

Trần Minh Hoàng, một sinh viên Việt Nam hiện đang theo học PhD tại Audencia cho biết: “Audencia hiện đã phủ sóng Wi-Fi toàn trường và mở thoải mái cho tất cả các sinh viên, không giới hạn về thời gian cũng như dung lượng truy cập.” Theo Hoàng, nhờ có Wi-Fi mà việc học tập của sinh viên cũng trở nên tiện lợi hơn nhiều. Các sinh viên được phép mang laptop vào lớp để ghi chép ngay trên chính máy tính của mình. Bài học cũng được các thầy cô gửi trực tiếp qua mạng nên nhiều sinh viên đi đâu cũng “ôm” máy tính, luôn trong tư thế sẵn sàng bật máy, làm bài tập, đọc tài liệu ở khắp mọi nơi. Có thể nói, nhờ sóng Wi-Fi mà việc học trở nên khá tiện ích, sinh viên ngồi ở đâu cũng có thể học bài được, chỉ cần đến giảng đường bằng một chiếc laptop là đủ. Tất cả tài liệu cần thiết đều được chuẩn bị thành những file trong ổ đĩa và có thể tìm được nhiều nguồn tài liệu khác nhau mà không nhất thiết phải vào thư viện.

Đó là đối với sinh viên, còn các giảng viên cũng tỏ ra “@” không kém. Hoàng kể: “Ngày đầu tới lớp khai giảng, mỗi học viên được phát một thông báo trên đó ghi rõ ID và password để truy cập vào website riêng của lớp. Việc này khá lạ lẫm đối với một sinh viên Việt Nam như em. Ban đầu cứ tưởng đó chỉ là một diễn đàn để trao đổi các thông tin trong thời gian học như ở Việt Nam chúng em vẫn thường lập, nhưng không, website này “chuyên nghiệp” hơn nhiều”. Đó là website do đích thân ban quản lý trường lập ra dành riêng cho mỗi khóa học. Website được thiết kế thành nhiều phần riêng biệt: nhật ký hàng ngày, email của lớp học,  danh sách các thành viên trong lớp, các môn học… Tài liệu về các môn học, bài giảng, quy trình khóa học, thông tin về các giáo viên đều có đầy đủ trên website. Chỉ cẩn một cú click chuột, sinh viên có thể download toàn bộ tài liệu cần thiết. Bài tập về nhà được gửi cho các giáo viên qua email và điểm thi cũng như xếp hạng cũng đều được thông báo chính thức trên website . Tất cả các thông tin trao đổi hàng ngày ngoài giờ lên lớp giữa giảng viên và sinh viên, giữa ban quản lý trường và sinh viên cũng như giữa các học viên với nhau đều thông qua website đặc biệt này. Quy trình rất nhanh chóng và thuận tiện giúp sinh viên không phải đi lại tới trường nhiều lần.

Không chỉ có vậy, trong quá trình học, các nhóm cũng chủ động đưa bài thảo luận của mình lên để trao đổi chéo với nhau, tạo thành một “kho” dữ liệu điện tử của lớp.

Ký túc xá thời hi-tech

Giống như các sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội trọ học, thì những sinh viên Việt Nam đi du học cũng rất vất vả trong việc tìm “nhà trọ”. Nhắc đến khái niệm sinh viên đi trọ học thường gợi cho người ta liên tưởng tới hình ảnh những khu nhà ổ chuột với điều kiện vệ sinh và an ninh không đảm bảo, dù rằng không phải tất cả các sinh viên đều phải sống trong những ngôi nhà như vậy.

Thu Trang, cô bạn cùng đại học Audencia của Hoàng, trong những ngày đầu tới đất Pháp, đã rất may mắn được chấp nhận vào ký túc xá Bourgeonniere ngay gần trường học. Ban đầu, cô nàng tặc lưỡi, cho rằng không thể đòi hỏi quá nhiều khi mình là dân “xa xứ”. Có chỗ ở đã đành, nhưng điều mà Trang lo nhất là kết nối mạng Internet. Trong điều kiện tất cả các tài liệu phục vụ cho học tập đều được gửi qua mạng, nếu như nơi ở chưa có kết nối internet thì quả là “đại họa”. Hơn nữa, việc liên lạc với gia đình và người thân sẽ ra sao vì trên đất Pháp hoàn toàn không có các cửa hàng “Truy cập Internet” như ở Việt Nam. Hơn nữa, sinh viên du học muốn đăng ký thuê bao Internet hoàn toàn không phải chuyện đơn giản vì có rất nhiều thủ tục hành chính.

Nhưng rồi, Trang đã phải bất ngờ trước kiểu ký túc xá “công nghệ cao” dành cho các sinh viên du học. Ngoài điều kiện an ninh, điện nước, vệ sinh… không thể phàn nàn, ký túc còn được trang bị tận phòng những phương tiện công nghệ cao để phục vụ cho công việc, học tập cũng như giải trí.

Ngay khi nhận phòng ký túc xá, Trang đã được yêu cầu đăng ký ID và password dành riêng cho sinh viên của ký túc. Chỉ sau vài ngày chờ đợi, cô bạn đã được ban quản lý ký túc cấp 1 ID và password để truy cập vào mạng Wi-Fi của ký túc xá 24/24. Trang tâm sự: “Đi học xa nhà, Internet là chiếc cầu nối duy nhất giúp em liên lạc với gia đình, người thân cũng như thế giới bên ngoài.”

Mỗi sáng, công việc đầu tiên của Trang ngay sau khi thức dậy là với tay bật máy tính. Tất nhiên điều đầu tiên cần xem là kiểm tra email của gia đình và website riêng của lớp để xem có tình hình gì mới. Sau đó là lướt web! Một loạt báo chí trong nước, và một số website báo chí nước ngoài nổi tiếng như CNN.com, BBC.com, AP.com... đã được cho vào favorites, cứ thế mà dần dần điểm tin. Tin tức của cả một ngày mới đã được nạp vào bộ não, không sợ lơ ngơ khi bàn về các vấn đề thời sự, dù là với sinh viên quốc tế hay bạn bè cùng quê hương.

Và “phong cách IT”

Tất nhiên, đối với những sinh viên du học xa nhà như Hoàng và Trang, những phương tiện công nghệ thông tin hiện đại là những vật dụng không thể thiếu. Không chỉ là phương tiện để làm việc, giải trí, liên lạc với gia đình, mà những phương tiện này còn thể hiện “phong cách IT” của giới trẻ Việt Nam trên đất Pháp.

Sang Pháp du học từ năm 2007, Hoàng coi chiếc iPhone 3G như chiếc “laptop” thứ hai của mình. Rất tự hào về chiếc iPhone 3G phiên bản mới, Hoàng cho biết cậu có thể check mail liên tục nhờ kết nối 3G truyền dữ liệu nhanh gấp 3 lần so với mạng EDGE. Ngoài ra, điện thoại mới cũng hỗ trợ mạng HSDPA, và GSM và cả Wi-Fi. Thời gian chờ lên tới 300 tiếng, sử dụng ở chế độ 2G là 10 tiếng còn chế độ 3G là 5 tiếng. Và, người dùng có thể lướt web trong vòng 5-6 tiếng hoặc nghe nhạc trong 24 tiếng, xem video trong 7 giờ. Không chỉ có vậy, một tính năng khác của iPhone được Hoàng sử dụng liên tục là hệ thống định vị GPS. Với chức năng giúp người sử dụng dễ dàng xác định vị trí để di chuyển, GPS đúng là một tính năng vô cùng quan trọng với những sinh viên Việt Nam trên đất Pháp.

Với Trang, không “chuyên nghiệp” như Hoàng, cô bạn coi laptop là vật bất ly thân. Để có thể chọn được cho mình một chiếc laptop ưng ý, Trang đã lang thang khắp các cửa hàng máy tính tại Nantes và cuối cùng thì dừng chân tại Fnac (chuỗi cửa hàng công nghệ thông tin lớn nhất nước Pháp). Bị thu hút bởi kiểu dáng trang nhã, đơn giản song không kém phần sang trọng với những góc cạnh được bo tròn tinh xảo của chiếc laptop nhãn hiệu Compaq CQ61-115TX, Trang đã bỏ ra 650 EUR (tương đương khoảng 17.000.000 VNĐ) để “rước nàng về dinh”. Theo Trang, với giá không quá đắt, lại đầy đủ các tính năng cơ bản như hỗ trợ lướt Net và tra cứu nội dung số nhanh, card mạng chuẩn gigabit và tích hợp khả năng kết nối không dây chuẩn 802.11b/g/n, loa Altec Lansing… thì chiếc laptop Compaq này rất thích hợp cho những sinh viên xa nhà như cô. Ngoài ra, máy còn được hỗ trợ webcam ngay phía trên màn hình, giúp cô bạn tha hồ liên lạc với người thân mỗi khi nhớ nhà.

Phạm Thu Trang
TIN LIÊN QUAN