Khoa học công nghệ: Đòn bẩy bứt phá năng suất chất lượng doanh nghiệp
Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến đang trở thành chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.
- Gặp gỡ ICT 2025: “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”
- Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Đổi mới sáng tạo - Trung tâm của hệ sinh thái kinh tế
Việc cải thiện năng suất lao động luôn được xem là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tăng năng suất không chỉ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng, mà còn giúp quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các nước láng giềng. Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), trước đây hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam được xây dựng với ba thành tố: nhà nước, trường viện và doanh nghiệp, trong đó nhà nước đóng vai trò trung tâm. Tuy nhiên, “ngày nay, doanh nghiệp mới là trung tâm của sự đổi mới sáng tạo”, góp phần tạo ra giá trị thực tiễn cho nền kinh tế xã hội, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ.
Khoa học công nghệ - động lực giúp nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào khoa học công nghệ và các công cụ quản lý hiện đại để tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Điển hình, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn luôn chú trọng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, từ đó tối ưu hóa quy trình vận hành của nhà máy. Trong bối cảnh thị trường xăng dầu có nhiều biến động, công ty đã và đang khuyến khích cán bộ, công nhân đề xuất các giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Xác định đổi mới công nghệ là cốt lõi để phát triển không ngừng nên trong quá trình sản xuất, Công ty CP Công nghiệp Ô tô - Vinacomin (VMIC) đã chủ động, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, đầu tư máy móc, thiết bị, nâng tầm công nghệ.
Tư duy đổi mới sáng tạo đã giúp VMIC nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo, phục hồi nhiều chủng loại chi tiết phụ tùng phục vụ sửa chữa xe ô tô, máy mỏ, các thiết bị vì chống phục vụ cho khai thác hầm lò. Nhiều sản phẩm do Công ty sản xuất, chế tạo đã khẳng định chất lượng và mang tính chiến lược cốt lõi đã thay thế một phần vật tư thiết bị mà các mỏ hiện đang phải nhập ngoại.
Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và nâng tầm uy tín, đẩy mạnh phát triển thương hiệu VMIC ngày càng rộng hơn trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, Công ty Cổ phần Công nghiệp Ô tô - Vinacomin đã đầu tư xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 và chuyển đổi sang Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 cùng với Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015.
Đặc biệt, VMIC đã tăng cường áp dụng công cụ 5S vào quá trình hoạt động để kiểm soát chất lượng sản phẩm sửa chữa, trung đại tu và các sản phẩm gia công chế tạo, phục hồi nhằm hạn chế, phòng ngừa các sai hỏng.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng là một ví dụ tiêu biểu về việc ứng dụng hệ thống quản lý tiên tiến. Theo ông Tôn Ngọc Hà - chuyên viên phụ trách hệ thống quản lý và công cụ cải tiến của công ty, đơn vị đã triển khai các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, quản lý môi trường theo ISO 14001:2015 và an toàn thực phẩm theo ISO 22000:2018. Bên cạnh đó, các công cụ cải tiến năng suất như 5S, Lean và TPM được áp dụng định kỳ, giúp khắc phục lỗi trong sản xuất, giảm thiểu lãng phí và nâng cao hiệu quả làm việc.
Khoa học công nghệ là “đòn bẩy” cho năng suất lao động
Các chuyên gia nhận định rằng tiến bộ khoa học công nghệ có thể làm giảm đáng kể số lượng lao động cần thiết trên mỗi đơn vị sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế. Không chỉ vậy, việc ứng dụng công nghệ hiện đại còn giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng cường sự linh hoạt và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, khoa học công nghệ có vai trò như “đòn bẩy” đưa năng suất chất lượng sản phẩm bứt phá.
Bên cạnh đầu tư công nghệ, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Một đội ngũ công nhân tay nghề tốt, ý thức kỷ luật và sự sáng tạo trong công việc không chỉ góp phần nâng cao năng suất lao động cá nhân mà còn tạo nên sức mạnh tổng hợp cho doanh nghiệp. Đặc biệt, lãnh đạo cần xây dựng chiến lược phát triển dựa trên tri thức và công nghệ, đồng thời thực thi các chính sách khuyến khích sáng kiến cải tiến từ cấp dưới.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) Phạm Văn Tài cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, với vai trò tiên phong trong việc ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, THACO xác định công nghệ chính là đòn bẩy quan trọng, tạo lực đẩy cho hoạt động sản xuất, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc triển khai thực hiện các dự án khoa học công nghệ và áp dụng vào thực tiễn đã mang lại hiệu quả rất lớn cho doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng xu thế thị trường, góp phần hình thành hệ sinh thái đa ngành phát triển bền vững, gia tăng khả năng cạnh tranh trong nước và xuất khẩu.
Trong xu thế chuyển đổi số và phát triển xanh hiện nay, sự kết hợp giữa ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và quản trị hiện đại là điều tất yếu. Nỗ lực đó không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả trên thị trường trong nước và quốc tế, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn nền kinh tế. Việc định hướng phát triển dựa trên sáng tạo và công nghệ chính là chìa khóa giúp Việt Nam hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” trong tương lai.