Gặp gỡ ICT 2025: “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”
Tối ngày 19/2/2025, tại khách sạn Pan Pacific (Hà Nội), Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã cùng 20 tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực ICT đồng tổ chức thành công sự kiện Gặp gỡ ICT - Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Tham dự buổi Gặp gỡ ICT 2025 có ông Nguyễn Mạnh Hùng, UVTW Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Trưởng Bộ KH&CN; ông Bùi Thế Duy, UV dự khuyết TWĐ, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; cùng sự hiện diện của các lãnh đạo cao nhất các Hội - Hiệp hội ngành CNTT-TT, đại diện các CLB FISU Việt Nam; CLB VLSP; CLB VFOSSA và CLB VNOI. Cùng các lãnh đạo CNTT-TT các Bộ - ngành, lãnh đạo các trường đại học lớn và đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT-TT cùng các hội viên các Hội và Hiệp hội ngành CNTT-TT.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhận hoa chúc mừng từ cộng đồng CNTT-TT.
Năm 2024 là một năm quan trọng với nhiều dấu ấn trong chuyển đổi số quốc gia, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW định hướng Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của quốc gia, là điều kiện tiên quyết để Việt Nam vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Ngày 9/01/2025 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP - Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57. Ngày 10/01/2025 Quốc hội đã ban hành KH3260 - Kế hoạch hành động của Quốc hội để thực hiện Nghị quyết 57. Và ngay sáng ngày 19/2/2025, Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Với tinh thần đó, năm 2025, cộng đồng ICT Việt Nam xác định "Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" là những ưu tiên hàng đầu nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước “để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam phát biểu khai mạc Gặp gỡ ICT 2025.
Nghị quyết 57 - điểm tựa nâng tầm CNTT-TT Việt Nam
Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam khẳng định sự ban hành Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là điểm tựa rất quan trọng trong nâng tầm CNTT-TT Việt Nam.
"Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển nghiên cứu triển khai ứng dụng CNTT-TT để phục vụ cho sự thúc đầy kinh tế số, xã hội số, và Chính phủ số, từ đó tạo bước nhảy vọt cho chuyển đổi số quốc gia. Hôm nay với sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ KHCN với 5 thứ trưởng cho chúng tôi một niềm tin rằng, một đội hình 1 cộng 5 cộng với 20 Hội, Hiệp hội thông tin Việt Nam sẽ là một điểm tựa rất là quan trọng để chúng ta thực hiện sứ mệnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển KHCN, phát triển đất nước trong giai đoan mới" - GS.TS Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ.
Phát biểu đại diện cho giới CNTT-TT, TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng Nghị quyết 57 đã thắp lên hy vọng mới, nếu thực hiện thành công thì chắc chắn KHCN của Việt Nam sẽ có bước phát triển mới rất đột phá, rất ấn tượng, đem lại lợi ích to lớn không chỉ cho cộng đồng khoa học Việt Nam mà còn cho nền kinh tế.
TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu đại diện cho giới CNTT-TT.
Ông Quân đã trình bày bốn trọng tâm của của Nghị quyết 57. Theo đó, đây là lần đầu tiên một Nghị quyết của Bộ Chính trị đề cập đến lĩnh vực rất quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà chúng ta có thể coi là cách mạng của công nghệ số. Đầu tiên, Nghị quyết 57 khẳng định sẽ đầu tư cho KHCN với quy mô lớn hơn, quy mô chưa từng có tức là 3% tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) và 2% GDP quốc gia cho nghiên cứu phát triển. Lần đầu tiên Đảng, Nhà nước rất coi trọng vấn đề rủi ro, mạo hiểm và độ trễ của KHCN để tạo ra những miễn trừ về mặt trách nhiệm cho những người làm khoa học. Lần đầu tiên xác định tài trợ NSNN cho KHCN theo cơ chế quỹ thông qua các quỹ phát triển KHCN. Nghị quyết cũng khẳng định vai trò then chốt của đội ngũ những người làm KHCN.
“Một ý tưởng rất độc đáo là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng làm trưởng Ban chỉ đạo một Nghị quyết rất quan trọng. Đây cũng là động lực để chúng ta có thể tin tưởng Nghị quyết 57 sẽ đi vào cuộc sống và khắc phục đuọc tất cả cả các khiếm khuyết, vấn đề mà các Nghị quyết trước đây đã gặp phải. Trưởng Ban Chỉ đạo với đồng chí Tổng bí thư và các hội đồng tư vấn, tôi tin Nghị quyết 57 sẽ vào cuộc sống và thành công” – ông Quân bày tỏ.
Nhân dịp buổi gặp gỡ, ông Quân cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các lãnh đạo các Bộ, ngành luôn luôn ủng hộc các Hội, Hiệp hội, CLB về CNTT-TT để có thể đóng góp trực tiếp vào các dự án công nghệ lớn của đất nước. Trước mắt có dự án về vi mạch bán dẫn, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là các dự án có hàm lượng KHCN rất lớn đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng KHCN. Các Hội, Hiệp hội CNTT-TT chắc chắn sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia vào các dự án này.
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC phát biểu tại buổi gặp gỡ.
Việt Nam đồng hành cùng thế giới đi đến kỷ nguyên thông minh
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC đã chia sẻ về Chiến lược Chuyển đổi AI.X và những nhiệm vụ quốc gia mà CMC vinh dự được đảm nhận. “Ở góc độ doanh nghiệp công nghệ khi đón nhận Nghị quyết 57 và bài phát biểu của Tổng bí thư Tô Lâm ngày 2/9 thực sự đã tạo cho chúng tôi niềm cảm xúc, được tiếp thêm năng lượng mới, niềm tin mới và sự phát triển của đất nước. Không chỉ Việt Nam mà Tổng thống Trump ngày 21/1/2025 đã tuyên bố về chiến lược phát triển quốc gia của Mỹ kêu gọi các Tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ đầu tư 500 triệu USD. Tuyên bố đó chỉ sau một ông nhậm chức, điều đấy nói lên rằng thế giới này, kỷ nguyên này có bước thay đổi cực kỳ quan trọng".
Ông Chính cũng cho biết thêm, ngày 21/1/2025, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, Thuỵ Sỹ, ông đã đại diện cho Tập đoàn CMC cũng như các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam tuyên bố với thế giới sáng kiến Chiến lược Chuyển đổi AI-Enable your AI.X. Qua đó khẳng định với thế giới rằng Việt Nam với trí tuệ, với con người hoàn toàn cùng bước chứ không chỉ là sánh vai với thế giới. Mong rằng tương lai của Việt Nam sẽ đồng hành cùng với thế giới đi đến một kỷ nguyên thông minh.
"Hôm nay là ngày cực kỳ vui khi Quốc hội hợp nhất hai Bộ. Tôi cho rằng đây là thời kỳ cực kỳ quan trọng với ngành của chúng ta khi có rất nhiều sự quan tâm của Đảng, của Chính phủ, của người dân về niềm tin trao gửi chúng ta phải phát triển đất nước dựa trên KHCN, dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên chuyển đổi số và dựa trên năng lực, trình độ của ngành công nghệ. Đây là vinh dự cực kỳ lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức to lớn. Với tư cách của một doanh nghệ hàng đầu Việt Nam, chúng tôi cam kết sẽ cùng đồng hành với các bạn đưa Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên mới” - Chủ tịch CMC cam kết.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chia sẻ khát vọng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, KHCN trở thành cách mạng của toàn Đảng và toàn Dân
Buổi gặp gỡ còn vinh dự được lắng nghe Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chia sẻ khát vọng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo Bộ trưởng, Nghị quyết 57 truyền đi một thông điệp rất là mạnh mẽ là Việt Nam muốn phát triển thì phải dựa vào ba trụ cột: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng coi đây là trụ cột chính để phát triển đất nước nhanh và bền vững trong thời đại số kỷ nguyên mới.
"Nghị quyết 57 được ký đúng vào ngày 22/12 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng chính là muốn truyền đi một thông điệp về tinh thần quân đội. Cứ có chỗ nào khó thì có Quân đội, chỗ nào cần hy sinh thì đến ông Quân đội, đã đánh là thắng là cái tinh thần của ông Quân đội. Chúng ta bây giờ cũng phải sống như thời chiến" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Không chỉ vậy, theo Bộ trưởng Nghị quyết 57 còn có một tinh thần rất quan trọng nữa đó là tinh thần làm chủ công nghệ. Lần đầu tiên chi số tiền cho công nghệ chiến lược là 15% tổng ngân sách Đổi mới sáng tạo chuyển đổi số. Mà ngân sách này năm nay là 75 nghìn tỷ, có nghĩa là giành 15 nghìn tỷ trong năm nay và trong các năm sau thì nhiều hơn. Lần đầu tiên nói đến các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc, lần đầu tiên nói đến Việt Nam cạnh tranh công nghệ và lần đầu tiên nói đến việc tại sao phải làm chủ công nghệ để làm chủ tiến trình chuyển đổi số.
"Việt Nam rất giỏi các cuộc cách mạng về toàn dân, khi mà Tổng Bí thư Tô Lâm làm Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì có nghĩa là từ nay chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, KHCN thực sự trở thành cách mạng của toàn Đảng và toàn Dân. Và vì thế nó sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Về các cơ chế chính sách đặc biệt, sự đột phá trong lĩnh vực này nghẽn ở đâu, nghẽn cái gì thì gỡ ở đó. Cần cái đột phá ở đâu thì cho nó một cái chính sách đặc biệt ở đó. Và Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có thể coi là một hành động đầu tiên về thực hiện Nghị quyết 57" - Bộ trưởng cho biết.
Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác.
Tại sự kiện còn diễn ra ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác này không chỉ thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa các Hội nghề nghiệp lĩnh vực CNTT-TT mà còn mở ra cơ hội phát huy tối đa năng lực của mỗi bên, phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng trong triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng Bộ KH&CN và lãnh đạo các Hội, Hiệp hội đồng tổ chức buổi lễ Gặp gỡ ICT 2024 cùng nâng ly chúc mừng.
Ban tổ chức tặng hoa các nhà tài trợ.
Gặp gỡ ICT là sự kiện quan trọng để giới CNTT-TT gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và khởi động những chuỗi sự kiện, hoạt động sôi nổi trong năm. Đặc biệt, với tinh thần của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, sự kiện này càng có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp nhằm đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Gặp gỡ ICT 2025 không chỉ là dịp tổng kết những thành tựu, mà còn là sự kiện truyền cảm hứng mạnh mẽ để cộng đồng ICT cùng nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Chương trình gặp gỡ ICT 2025 Xuân Ất Tỵ do 20 tổ chức xã hội nghề nghiệp đồng tổ chức: Hội Tin học Việt Nam, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hội Tự động hóa Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam, Hội Thể thao và Giải trí điện tử Việt Nam, Hội Tin học Y Tế Việt Nam, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam, CLB các Khoa - Viện - Trường CNTT-TT Việt Nam, CLB Xử lý ngôn ngữ và Tiếng nói tiếng Việt, CLB Olympic Tin học Việt Nam, Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội, Hội Tin học TP HCM, Hội Tin học Đà Nẵng. Các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình gồm: Nhà tài trợ Vàng: Công ty Tiktok Việt Nam. Nhà tài trợ Bạc: Tập đoàn FPT, Tập đoàn Công nghệ CMC. Nhà tài trợ Đồng: Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam – VNPT, Công ty TNHH Thiết bị kỹ thuật Tin học Hải Anh. Cùng các nhà tài trợ: Công ty Cổ phần Hanel, Công ty Cổ phần Netnam, Công ty Cổ phần Misa, Công ty TNHH Tích hợp Thông minh, Công ty Cổ phần Công nghệ Tinh Vân. |