Khoa học công nghệ đóng góp công lớn vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp

14:55, 20/01/2025

Tại tọa đàm “Nghiên cứu khoa học: Đổi mới tư duy, sáng tạo để bứt phá”, các nhà khoa học đánh giá, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" mang đến động lực mạnh mẽ cho các nhà khoa học.

Theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới...

Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn...

Để biến thách thức thành cơ hội, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều các định hướng chiến lược, chính sách để tăng cường đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết Nghị quyết 57 đã tạo ra sự phấn khởi cho các nhà khoa học, đặc biệt chế biến là một trong những dư địa lớn để tăng giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Theo ông Tuấn, hiện nay tỷ lệ chế biến nông sản tinh sâu ở Việt Nam vẫn ở mức thấp, dưới 20%. Việc định hướng nghiên cứu ứng dụng trong bảo quản, chế biến với công nghệ ngang tầm thế giới sẽ giúp thúc đẩy việc gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

“Mặc dù công nghệ bảo quản thủy sản đã đạt được một số thành công, nhưng áp dụng trên quy mô lớn vẫn còn hạn chế. Vì vậy, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời phát triển các nhà sơ chế phục vụ nguyên liệu chế biến và xuất khẩu. Trong lĩnh vực chế biến, không chỉ chú trọng vào chế biến chính phẩm mà ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phế phẩm thành chính phẩm", PGS.TS Phạm Anh Tuấn nhận định.

Trong khi đó, GS. TS. Phạm Bảo Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang chia sẻ, nhà trường hào hứng đón nhận Nghị quyết số 57-NQ/TW, coi đây như "chìa khóa" để thúc đẩy phát triển, đổi mới thành công từ nông nghiệp, qua đó giải phóng sức lao động. Theo ông Phạm Bảo Dương, trước đổi mới, chúng ta thiếu đói, nhưng sau khi đổi mới, bằng cách tạo động lực cho người dân hăng hái sản xuất, khai hoang, tăng vụ, có nơi tăng tới 4 vụ lúa/năm, ngành nông nghiệp đã có sự bứt phá phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dư địa để tăng diện tích không còn, muốn tăng sản lượng, chất lượng nông sản chúng ta phải đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. 

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xác định 4 nội dung trọng tâm cần thực hiện. Cụ thể, tiếp tục rà soát và tổ chức lại bộ máy theo tinh thần của Nghị định 19; tăng cường giải pháp khai thác nguồn lực đầu tư; thay đổi năng lực quản trị trong các đơn vị và tập trung quản trị các sản phẩm khoa học và công nghệ để đảm bảo chất lượng và khả năng ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu trong thực tiễn.