Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu

11:36, 16/05/2024

Phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với vai trò nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu khách quan, lựa chọn khôn ngoan. Đây là một trong những động lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; là yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với quá trình vươn lên “bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên”...

Phát biểu chỉ đạo tại lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 và Kỷ niệm 65 năm thành lập (1959- 2024) Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 15/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, đánh giá cao kết quả đạt được và những đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học nói riêng và ngành khoa học công nghệ nói chung cho đất nước.

Với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành khoa học công nghệ Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu thăm quan các gian trưng bày thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu

Thủ tướng nhấn mạnh trong thế giới ngày nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ đã phát triển bùng nổ trên tất cả các lĩnh vực và đang làm thay đổi sâu sắc thế giới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn và với tốc độ nhanh hơn, biến động khó lường.

Các bài học kinh nghiệm thành công trên thế giới, nhất là ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Phần Lan..., cho thấy vai trò to lớn của khoa học công nghệ đối với sự phát triển và vượt lên của các quốc gia.

Xác định rõ những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương “Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp….”.

Theo Thủ tướng, những kết quả thành công và đóng góp của khoa học công nghệ là minh chứng rõ nét khẳng định: Đây là một chủ trương, đường lối hết sức đúng đắn, phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước trong thời gian qua và còn giá trị trong giai đoạn mới, những năm tới,

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế” và “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

“Có thể nói, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là một yếu tố nền tảng của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh- hai trong các yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt quan trọng đối với nước ta hiện nay. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu”.

“Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với vai trò nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu khách quan, lựa chọn khôn ngoan và cần có ưu tiên về nguồn lực (thể chế, cơ chế, chính sách, hạ tầng, con người…)”, Thủ tướng nói.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận 

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, trở nên ngày càng khan hiếm, thì khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất, những con người bình dị nhất.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 khẳng định, phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong 3 đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể khẳng định, đây là một động lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; là một yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với quá trình vươn lên “bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên” trong thế giới ngày nay, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương, và của chính các nhà khoa học.

Trong đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20-NQ/TW Trung ương khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Trước mắt tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn: Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ bao trùm, toàn diện; đầu tư thích đáng về hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn.

Thứ hai, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư, nguồn lực xã hội, doanh nghiệp và người dân cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh nhân lực khoa học công nghệ, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực khoa học công nghệ. Tập trung phát triển mạnh thị trường khoa học công nghệ để góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho khoa học công nghệ về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực, trong đó có các chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Thứ tư, đối với các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên...

Thứ năm, có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng (như: tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam...) để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, hội nhập thế giới.

Thứ sáu, đối với các nhà khoa học, Thủ tướng đề nghị cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các nhà khoa học cần nhận thức, hành động về sứ mệnh của mình với trọng trách lớn lao đối với đất nước, dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro.

Một số dấu ấn Khoa học công nghệ trong các lĩnh vực:

Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; góp phần quan trọng nâng giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao.

Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40% năm 2019.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhiều kết quả nghiên cứu liên quan đến công nghệ, vật liệu, giải pháp kỹ thuật mới, cơ khí, tự động hóa, chế tạo nội địa hóa thiết bị thí nghiệm, kiểm định với mức tự động hóa cao.

Trong lĩnh vực y tế, đã làm chủ được nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, đặc biệt kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp, X-quang can thiệp... làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng gồm thận, gan, tụy, tuỵ- thận, tim, phổi, một số kỹ thuật ghép tạng đạt trình độ ngang tầm thế giới.

Năm 2023, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm và 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-la-con-duong-ngan-nhat-de-dat-duoc-cac-muc-tieu.htm