Khơi thông nguồn lực đưa Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo

16:52, 29/05/2021

Đặt mục tiêu là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Hà Nội đề xuất được thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Hoàng Giang

Ba cái ‘nhất’ về KHCN

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định từng đánh giá về mặt KHCN, Hà Nội có 3 cái nhất. Một là, tiềm lực KHCN có hạ tầng mạnh nhất, nhiều trung tâm nghiên cứu, số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất và đóng góp tỉ lệ cao nhất trong tiềm lực KHCN quốc gia.

Thứ hai là cường độ đầu tư trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo cũng cao nhất trong cả nước, với nguồn lực đầu tư cả của Trung ương, Hà Nội và nguồn lực lớn từ các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn.

Thứ ba, Hà Nội dẫn đầu cả nước về sản phẩm đầu ra của nghiên cứu KHCN. Số lượng công bố quốc tế năm 2019 của Hà Nội đạt xấp xỉ gần 5.000 trên tổng số hơn 12.000 công bố của cả nước.

Nhờ chiếm 80% viện, trường, 82% phòng thí nghiệm trọng điểm, 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và tiến sĩ của cả nước, 105 tổ chức KHCN công lập do các trường đại học, viện nghiên cứu công lập thành lập (hơn 70% tổ chức đã được cấp đăng ký hoạt động KHCN “tư vấn chuyển giao công nghệ”) nên Hà Nội có được những kết quả mà khó địa phương nào sánh được, đơn cử là 100% dự án sản xuất thử nghiệm và trên 85% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn (trong tổng số gần 300 nhiệm vụ KHCN và 50 dự án sản xuất thử nghiệm), theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội.

Đáng chú ý, Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thị trường KHCN Hà Nội tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Các sản phẩm KHCN thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng. Bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.

Thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ... Có 1.216 doanh nghiệp được hướng dẫn công bố, hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến; 52 nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký bảo hộ. Đến nay, Hà Nội cũng đã có 94 doanh nghiệp KHCN được đăng ký chính thức, đứng thứ hai cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN TP. Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Hệ thống cơ chế, chính sách về KHCN còn chưa đồng bộ. Chất lượng, hiệu quả đổi mới công nghệ còn hạn chế, chưa có bước đột phá. Cơ sở hạ tầng về công nghệ cao còn yếu; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong GRDP của Thành phố còn thấp...

Khơi thông nguồn đầu tư để doanh nghiệp đóng vai trò thực sự

Là địa phương tiên phong về đổi mới sáng tạo nên việc vấp phải một số rào cản về mặt thể chế sớm hơn sẽ là điều không thể tránh khỏi đối với Hà Nội. Do đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho rằng, chính quyền Thành phố cùng các bộ, ngành nên thử nghiệm chính sách cho các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, tạo tiền đề cho sự phát triển mới.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, diện mạo KHCN và đổi mới sáng tạo của TP. Hà Nội chắc chắn sẽ khác trước, khi doanh nghiệp trở thành “chủ đầu tư” lớn nhất với lĩnh vực đầu tư phát triển KHCN chứ không phải là Nhà nước như giai đoạn vừa qua thì toàn bộ chính sách sẽ phải xoay trục, để phục vụ cho doanh nghiệp đầu tư được cho KHCN và đổi mới sáng tạo.

Hiện Hà Nội có 33 doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KHCN mà riêng năm 2019 đã trích lập được hơn 2.000 tỷ đồng, đúng bằng một nửa chi sự nghiệp KHCN của thành phố 5 năm qua, tức là chỉ cần khơi thông đầu tư KHCN trong doanh nghiệp 1 năm thì nguồn lực cho KHCN sẽ là rất lớn. Vì vậy, cần khơi thông nguồn đầu tư để doanh nghiệp đóng vai trò thực sự.  Bên cạnh đó, với thế mạnh của mình, Hà Nội cũng cần tận dụng đẩy các start-up lên trở thành một lực lượng kinh tế mới.

Để đưa Thủ đô Hà Nội trở thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và khu vực, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Thành ủy Hà Nội đã xác định “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.  Hà Nội giai đoạn 2021- 2025” là một trong 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thành phố sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Đề xuất Trung ương cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo.

“Trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo”, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới của TP. Hà Nội là xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ về tài chính và đầu tư, khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo trên 1,0% GRDP Thủ đô.

TP. Hà Nội cũng sẽ xây dựng các mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên mời các doanh nghiệp lớn, có uy tín quốc tế tham gia với vai trò dẫn dắt, định hướng; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo có sản phẩm, công nghệ mới tham gia các trung tâm này.

Đặc biệt, Thành phố tập trung phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội và quốc gia, mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao.

Phát huy vai trò “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới-kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” hoạt động theo nguyên tắc khoa học mở, đổi mới sáng tạo mở nhằm tạo kết nối, liên kết giữa người dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các viên nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn, các chuyên gia trong và ngoài nước, các trung tâm/chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực để tham vấn, giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

 Theo Hoàng Giang/baochinhphu.vn