Không internet, không máy tính, học sinh nghèo học trực tuyến ra sao?
Không internet, không máy tính hay điện thoại thông minh, nhiều học sinh, phụ huynh nghèo lâm vào "thế bí" khi chưa biết phải xoay sở việc học trực tuyến ra sao, trong khi năm học mới tới rất gần.
Trước diễn biến căng thẳng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã lên phương án khai giảng và dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều trăn trở cho phụ huynh, nhất là những người lao động thu nhập thấp, không ổn định khi thiếu đi trang thiết bị hỗ trợ con em trong quá trình học trực tuyến.
Không phải học sinh nào cũng có điều kiện về máy tính, internet để tham gia học trực tuyến.
Giáo dục phải luôn đề cao tính nhân văn, nhân đạo. Do đó, không được để những trẻ em đã bấp bênh trong cuộc sống nay lại phải gánh chịu sự bất hạnh trong giáo dục.
Phụ huynh nghèo với trăm ngàn mối lo
Theo khung thời gian năm học 2021-2022 của Hà Nội, chưa đầy một tuần nữa, con gái chị Nguyễn Ngọc Lan (quận Long Biên) sẽ bước vào lớp 1. Con chưa biết viết, biết đọc, đặc biệt năm nay còn học chương trình và sách giáo khoa mới; sau khi nhận thông báo trường sẽ tổ chức học online, người mẹ này như "ngồi trên đống lửa".
"Tôi chưa tưởng tượng được cảnh con sẽ học chữ, đánh vần ra sao nếu học trực tuyến. Trẻ lớp 1 cần sự tiếp xúc, rèn luyện trực tiếp của thầy cô. Vậy mà bây giờ cô trò chỉ nói và nghe qua một chiếc màn hình, tôi e là không hiệu quả".
Chưa dừng lại ở đó, vị phụ huynh này còn có một nỗi lo lớn hơn khi gia đình không có đủ điều kiện máy móc để phục vụ quá trình học trực tuyến. "Tôi bán hàng ăn ở ngoài chợ, chồng chạy xe ôm. Từ hôm thành phố áp dụng Chỉ thị 16, hai vợ chồng đều thất nghiệp. Cả ngày chỉ quanh quẩn trong căn trọ 15m2, cái ăn còn khó, nói gì đến việc mua máy, lắp mạng cho con học online", chị Lan trăn trở.
Tương tự, phụ huynh Đào Văn Nam (Chí Linh, Hải Dương) cũng chưa biết phải xoay sở ra sao khi sắp tới, cả hai con của anh (lớp 5 và lớp 7) đều tham gia học trực tuyến. Hai vợ chồng làm công nhân, cả tháng chi tiêu dè sẻn cũng chẳng dư dả là mấy. Nửa đầu năm 2021, dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương khiến cuộc sống vốn đã bấp bênh nay lại càng thêm khốn đốn.
"Ở nhà chỉ có một chiếc điện thoại thông minh, còn internet thì phải ra tận… ngoài sân mới có vì xin dùng nhờ hàng xóm. Bây giờ cả hai đứa đều phải học trực tuyến. May mắn học khác buổi thì có thể thay nhau sử dụng, nhưng nếu học trùng buổi thì tôi chưa biết phải tính sao. Mua một thiết bị công nghệ trong thời điểm dịch bệnh thế này, thực sự là quá sức".
Ở các vùng nông thôn, nhiều bậc phụ huynh cũng "than trời" vì thiếu cơ sở vật chất. Ở tuổi 62, mỗi ngày, bà Đoàn Thị Mến (Đồng Xoài, Bình Phước) vẫn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Nhà chỉ có hai bà cháu, không internet, không điện thoại thông minh; do đó, bà Mến không khỏi lo lắng nếu cô cháu chuẩn bị bước vào lớp 6 của bà phải ở nhà học online trong năm học sắp tới.
Bà Đoàn Thị Mến cho hay, nếu sắp tới cháu phải bắt đầu năm học theo hình thức trực tuyến, bà sẽ đưa cháu tới nhà họ hàng để xin học nhờ. Tuy nhiên, đây chỉ là kế hoạch ngắn hạn. Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, vùng quê nghèo phải áp dụng những biện pháp chống dịch gắt gao hơn, thì việc này trở nên bất khả thi.
Là một người mẹ, cũng là một giáo viên, cô Trần Minh Thùy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, hiện tại, việc tổ chức dạy - học trực tuyến cho học sinh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Bên cạnh khả năng tự giác, tinh thần tự học thì điều kiện của mỗi gia đình cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học online của con em. Có những gia đình đầy đủ phương tiện như máy tính, điện thoại thông minh, đường truyền internet ổn định… phục vụ việc học từ xa của trẻ; thì ngược lại, cũng không ít phụ huynh còn chưa đủ điều kiện, phương tiện để đáp ứng cho con học theo hình thức này.
"Nói là học sinh thành phố, nhưng thực tế rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ là công nhân, thu nhập thấp, đâu phải em nào cũng được mua máy tính, điện thoại. Thành phố đã vậy, học sinh tại các vùng nông thôn, miền núi còn vất vả gấp đôi khi bố mẹ còn mải lo miếng cơm, manh áo, lấy đâu ra tiền mà chuẩn bị các thiết bị công nghệ. Đọc báo, xem tivi, không khó để bắt gặp hình ảnh những em học sinh phải dựng lều trên đồi hay vách đá cheo leo để thu sóng học trực tuyến. Xót xa vô cùng".
Triển khai dạy học trên sóng truyền hình
Trao đổi với Dân Trí, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng và phức tạp, mọi người không thể trực tiếp gặp mặt, thì học trực tuyến được coi là phương pháp tối ưu. Bên cạnh đó, lịch học cũng khó mà thay đổi, bởi nếu cứ mãi lùi lịch của năm học mới thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ của những năm học về sau.
Cũng theo GS. Phạm Tất Dong, việc triển khai học trực tuyến ngay đầu năm học cũng sẽ gặp nhiều bất lợi, nhất là với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn khi xuất hiện sự chênh lệch điều kiện, trang thiết bị học tập. Tuy nhiên, khó khăn thì phải tìm cách khắc phục. Nguyên tắc của một nền giáo dục là phải đảm bảo mọi học sinh đều được học; không có em nào vì không có điều kiện mà bị bỏ rơi.
"Muốn làm được điều này, theo tôi, cần chuẩn bị thật kỹ cho đội ngũ giáo viên. Công tác chuẩn bị phải từ trong hè, đồng thời phải linh hoạt cách dạy và học trực tuyến để phù hợp với mọi hoàn cảnh của phụ huynh, học sinh", GS. Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Theo đó, biện pháp phù hợp nhất để khắc phục tình trạng này chính là nhờ một số đài truyền hình truyền tải nội dung các bài giảng lên tivi. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt, phân phối chương trình... để đội ngũ giáo viên thiết kế các chủ đề, nhóm/dạng bài học điển hình.
Đồng quan điểm, nhà giáo Trần Minh Thùy bày tỏ, giáo dục phải luôn đề cao tính nhân văn, nhân đạo. Do đó, không được để những trẻ em đã bấp bênh trong cuộc sống nay lại phải gánh chịu sự bất hạnh trong giáo dục, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, những người làm giáo dục cần lưu tâm tới những đối tượng đặc biệt này. Không có điều kiện học online, kiến thức sẽ bị rơi vãi; vì vậy, cần đảm bảo các con đều được học như nhau.
"Đầu năm 2020, các khối lớp 9, 12 của Hà Nội đã tham gia học qua truyền hình 9 môn học cơ bản. Ngay những ngày đầu phát sóng, chương trình đã thu được hiệu ứng tích cực từ phía phụ huynh, học sinh.
Tôi nghĩ, mô hình học trên truyền hình cũng cần được nhân rộng. Theo đó, Nhà nước sẽ chọn giáo viên dạy chuẩn theo chương trình, phát lên truyền hình cho học sinh cùng học, phát sóng trong nhiều thời gian khác nhau. Khi dịch bệnh tạm ổn sẽ tính tới chuyện tập trung để củng cố và kiểm tra kiến thức" - cô Thùy đề xuất.
Thầy cô đồng hành cùng phụ huynh, học sinh
Hơn 10 năm gắn bó với việc "gieo mầm" con chữ tại một ngôi trường nằm ở vùng ngoại ô thành phố Hải Phòng, thầy giáo Vũ Mạnh Tú đề xuất, ngoài tivi, các cấp lãnh đạo cũng nên cân nhắc việc phát các bài giảng qua radio, đài phát thanh bởi đây là những thiết bị phổ biến, gia đình nào cũng có thể dễ dàng sở hữu và sử dụng.
Cũng theo nhà giáo này, bên cạnh những chương trình học tập được phát sóng miễn phí trên toàn quốc, thì mỗi nhà trường, lớp học cũng cần tự xây dựng một mô hình giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn trong quá trình học trực tuyến.
Thầy Tú kể lại: "Hồi đầu năm 2020, học sinh Hải Phòng nghỉ học để tránh dịch thì giáo viên chúng tôi cũng tiến hành dạy qua mạng. Nhưng không phải tất cả học sinh đều có thể tham gia vì gia đình một số em không có những thiết bị nối mạng cần thiết. Trong cái khó ló ra cái khôn. Chúng tôi xác nhận thông tin những học sinh gặp khó khăn về thiết bị học tập, sau đó đi in tài liệu, bài tập rồi nhắn phụ huynh qua nhà giáo viên hoặc đến trường để nhận.
Song song với đó, nhiều thầy cô còn trực tiếp gọi điện thoại, trao đổi với phụ huynh, học sinh những vùng kiến thức quan trọng. Tất nhiên, phương pháp này cũng sẽ tồn tại hạn chế, đặc biệt trong thời điểm một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhưng khó thì phải tìm cách để gỡ".
Theo thầy Tú, để phương pháp này được áp dụng rộng rãi, đặc biệt tại những tỉnh thành đang thực hiện giãn cách, các cấp lãnh đạo cần xem xét việc vận chuyển, in ấn tài liệu phục vụ học tập là việc làm thiết yếu. Lúc đó, người dân cũng cần tạo lập cho mình ý thức, chỉ ra ngoài với mục đích thực sự cần thiết, tuân thủ nguyên tắc 5K.
"Dịch bệnh trải ra những khó khăn, song cũng tạo ra cơ hội để ngành Giáo dục có thể chuyển đổi, tạo ra những mô hình học tập mới. Để làm được điều này, phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy, học cách thích nghi với tình hình mới; và không thể thiếu sự đồng lòng, nhất trí của các cấp lãnh đạo, giáo viên, phụ huynh và học sinh" - thầy Tú bày tỏ.
Theo/dantri.com.vn