'Kích hoạt' chuyển đổi số phục vụ công tác dân tộc
Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng chung của toàn xã hội. Đối với công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đây là thời điểm phù hợp nhất để tiến hành chuyển đổi số.
Lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc, đại diện Bộ TT&TT cùng các đơn vị công nghệ thông tin đã tiến hành khởi động Cổng Dịch vụ công trực tuyến giai đoạn I của Ủy ban Dân tộc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh như trên tại lễ hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) và lễ khởi động Cổng Dịch vụ công trực tuyến (giai đoạn 1) của Ủy ban Dân tộc.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số; tạo động lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, lễ hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia của Uỷ ban Dân tộc là dịp giới thiệu các giải pháp, sản phẩm công nghệ số phục vụ sự lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc và triển khai hiệu quả các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số - kinh tế số - xã hội số.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và làm chủ công nghệ, các cơ quan quản lý Nhà nước không ngừng đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ nhằm tăng tốc công cuộc chuyển đổi và ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, vận hành một cách dễ dàng, hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận, phát triển công nghệ số trên toàn quốc nói chung, ở khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo ông Hầu A Lềnh, quá trình chuyển đổi số dù rất khó khăn nhưng nếu có nhận thức đúng, hành động đúng và quyết tâm cao, có sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, người dân thì sẽ thành công.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng cần đánh giá, rà soát lại tất cả những điều kiện cần thiết nhất cho chuyển đổi số trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc để xác định đang có gì, thiếu gì và cần phải làm gì. Ngoài ra, các đơn vị của Ủy ban Dân tộc được giao nhiệm vụ cần tự chuyển đổi trước với quyết tâm cao và làm đến cùng dù gặp nhiều khó khăn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên thông, kết nối, đồng bộ dữ liệu của Ủy ban Dân tộc với các bộ, ngành, địa phương, ông Hầu A Lềnh đề nghị trong quá trình tham mưu, tổ chức thực hiện, các cơ quan tư vấn, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan phải tính đến các yếu tố này, bảo đảm liên thông không chỉ trong nội bộ Ủy ban Dân tộc, nội bộ ngành mà còn liên thông với các ngành khác.
Ủy ban Dân tộc mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Thông tin và Truyền thông, từ các tập đoàn công nghệ để có phương hướng, giải pháp chuyển đổi số hợp lý, hiệu quả trong thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh và các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm.
Chia sẻ một số nội dung về chuyển đổi số, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Khắc Lịch cho hay chuyển đổi số bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề công nghệ số mà còn là vấn đề nhận thức, thay đổi thói quen để chấp nhận cái mới.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về tư duy, thể chế, chính sách hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Người đứng đầu có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số tại đơn vị.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra lễ khởi động Cổng Dịch vụ công trực tuyến (giai đoạn 1) của Ủy ban Dân tộc. Đây là một hệ thống thống nhất gồm 2 hợp phần: Hợp phần giao tiếp với người dân (cổng dịch vụ công) và hợp phần xử lý nghiệp vụ của cán bộ, công chức (hệ thống thông tin một cửa điện tử).
Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Ủy ban Dân tộc hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2022, kết nối toàn diện với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, một số giải pháp được giới thiệu tại sự kiện như: Giải pháp phòng đào tạo và thực hành công nghệ cao; hệ thống loa phát thanh thông minh; hệ thống GIS quản lý thông tin người có uy tín; hệ thống phòng cháy, chữa cháy thông minh; cơ sở dữ liệu về phong tục tập quán; công cụ dịch hai chiều chữ quốc ngữ và chữ dân tộc; giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất nông lâm thủy sản của đồng bào dân tộc...
Theo Báo điện tử Chính phủ