Kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đang là rào cản ở nhiều lĩnh vực

15:12, 19/07/2023

Văn phòng Chính phủ nêu kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành ưu tiên lựa chọn, rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, TTHC đang là rào cản các lĩnh vực: Xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, chế biến nông sản, xuất nhập khẩu, giáo dục, y tế…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, từ 2021 đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay lên 2.352 quy định tại 191 văn bản quy phạm pháp luật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 19/7, tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn đã báo cáo một số kết quả nổi bật về công tác cải cách TTHC trong 6 tháng đầu năm 2023.

Từ năm 2021 đến nay cắt giảm, đơn giản hóa trên 2.350 quy định

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh tại 10 văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hoá 210 quy định kinh doanh tại 20 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định đã được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay lên 2.352 quy định tại 191 văn bản quy phạm pháp luật.

"Thực hiện tốt nhiệm vụ này là các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng nhà nước Việt Nam", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết.

Các bộ, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đến nay, đã thực thi đơn giản hóa 388/1.146 thủ tục hành chính (TTHC), đạt 34%.

Đã sửa đổi 19 văn bản QPPL để thực thi phương án phân cấp 98/699 TTHC đã được phê duyệt phương án phân cấp, đạt 14%, trong đó có nhiều phương án được thực thi trước thời hạn như của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Có 10/22 bộ, cơ quan ngang bộ đã công bố danh mục TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, với 370 TTHC giữa các cơ quan hành chính nhà nước và 397 TTHC thực hiện trong bộ, cơ quan.

Hiện nay, các bộ đang tích cực rà soát để đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ trên các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên để trình Thủ tướng phê duyệt trước ngày 01/10/2023.

Công khai, minh bạch TTHC đã có sự cải thiện rõ rệt

Về cải cách việc thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, việc công khai, minh bạch TTHC đã có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2022.

Đến nay, có 4.422/6.423 TTHC (chiếm 68,8%) đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó, bộ, ngành có 55,7% TTHC đã cung cấp với 82% hồ sơ trực tuyến (tăng 1,5 lần so với năm 2022); địa phương có 68,9% TTHC đã cung cấp với 61,36% hồ sơ trực tuyến (tăng 1,7 lần so với năm 2022). Một số bộ, địa phương thực hiện tốt như: Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cà Mau, Quảng Ninh, Long An, Bình Định…

Chất lượng giải quyết TTHC đã có sự cải thiện so với năm 2022, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hoặc sớm hạn của bộ, ngành tăng 10%, địa phương tăng 8% so với năm 2022.

Việc số hóa hồ sơ, kết quả TTHC và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử được tích cực triển khai, tại bộ, ngành đạt 22,8% (tăng 11% so với năm 2022), tại các địa phương là 32% (tăng 20% so với năm 2022); 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Một số bộ, địa phương thực hiện tốt như: Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Nam Định…

Việc thực hiện thanh toán trực tuyến cũng có sự cải thiện rõ rệt, 6 tháng đầu năm, có hơn 2,5 triệu giao dịch thành công, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó một số bộ, ngành, địa phương đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Xây dưng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nam Định, Hòa Bình, Hà Nam, Cà Mau, Lào Cai, Bắc Giang, Bình Định, Lâm Đồng, Hà Giang, Đà Nẵng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ, một số Bộ vẫn chưa có phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để thực thi đơn giản hóa các quy định, TTHC còn chậm như: Còn 676 quy định kinh doanh; 797 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; 601 TTHC chưa được thực thi phương án phân cấp.

Việc công khai, minh bạch TTHC của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm, nhất là các bộ, ngành (chỉ đạt 1,4% TTHC công bố đúng hạn, 19% hồ sơ TTHC được đồng bộ, công khai quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong khi đó yêu cầu của Chính phủ là 100%).

Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, chưa quan tâm tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dùng làm trung tâm. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn chậm, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa.

Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ, yêu cầu điều kiện ngoài quy định ở một số cơ quan, đơn vị; kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, chưa thực hiện kiểm tra, định kỳ hàng tháng công bố, công khai danh sách cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC chậm trễ, gây phiền hà.

Chính vì vậy, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn triển khai Đề án 06; cải thiện môi trường kinh doanh; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 về cải cách TTHC cấp phiếu lý lịch tư pháp và Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, tập trung lựa chọn, rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, TTHC đang là rào cản, trước mắt ưu tiên lĩnh vực: xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, năng lượng, sản xuất, chế biến nông sản, xuất nhập khẩu, giáo dục, y tế…

Ngoài ra, các bộ, ngành cần khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản thực thi đơn giản hóa 797 TTHC, giấy tờ công dân, 676 quy định kinh doanh và 601 TTHC phải phân cấp theo phương án đã được phê duyệt, hoàn thành trong tháng 9/2023.

Về cải cách việc thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, Văn phòng Chính phủ nêu kiến nghị cần thực hiện nghiêm công bố, công khai, chuẩn hóa TTHC; rà soát tái cấu trúc quy trình, DVCTT theo hướng lấy người dùng làm trung tâm (bao gồm cả cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp), cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng trong thực hiện TTHC.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

https://vpcp.chinhphu.vn/kien-nghi-cat-giam-don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-dang-la-rao-can-o-nhieu-linh-vuc-115230719111047089.htm