Kiến tạo thể chế để khoa học 'ra trận', công nghệ 'ra thị trường', dữ liệu là tài sản chiến lược

07:07, 17/07/2025

Hoàn thiện thể chế không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là điều kiện tiên quyết để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN,ĐMST&CĐS) trở thành động lực trung tâm cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Bộ KH&CN đang nỗ lực hoàn thiện thể chế để khoa học "ra trận", công nghệ "ra thị trường" và dữ liệu trở thành tài sản chiến lược.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh như trên tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025.

Hạ tầng số là nền tảng chiến lược của quốc gia số

Bộ KH&CN mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ KH&CN đã đi vào hoạt động được gần 4 tháng. Bộ mang trên mình sứ mệnh quan trọng: đưa Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới – giai đoạn phát triển dựa trên KHCN, ĐMST&CĐS, giai đoạn phát triển từ quốc gia có thu nhập trung bình trở thành quốc gia có thu nhập cao. Để làm được việc đó, chúng ta cần phải có những chuyển dịch quan trọng.

Bưu chính phải trở thành hạ tầng logistics, bảo đảm dòng chảy vật chất song song với dòng chảy dữ liệu. Dòng chảy vật chất cần được đảm bảo nhanh chóng, chính xác và an toàn đến tận tay doanh nghiệp và người tiêu dùng. Càng chuyển đổi số mạnh mẽ bao nhiêu thì lưu lượng tải lên mạng lưới bưu chính càng tăng bấy nhiêu.

Viễn thông phải trở thành hạ tầng số phục vụ cho chuyển đổi số. Hạ tầng số cần được xác định là hạ tầng chiến lược, tương đương với giao thông và điện lực – phải được phổ cập, có băng thông siêu rộng, dung lượng siêu lớn, xanh và an toàn. Hạ tầng số sẽ trở thành nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế. Việc phủ sóng 5G sâu rộng trên toàn quốc là nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm. Tốc độ kết nối di động cần đạt tối thiểu 100Mbps, kết nối cố định đạt 200Mbps.

Chuyển đổi số với ba cấu phần gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số – xây dựng một phiên bản số hóa của thế giới thực, bảo đảm sự ánh xạ 1-1 giữa thế giới thực và thế giới số. Chuyển đổi số là quá trình số hóa toàn diện, sau đó ứng dụng công nghệ số – đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu số. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc thay đổi mô hình hoạt động, nhằm khai thác hiệu quả thực sự của chuyển đổi số.

Chi ngân sách nhà nước cho chuyển đổi số nếu là 1% thì phải kéo theo xã hội đầu tư cho chuyển đổi số gấp 3–4 lần mức đó. Đồng thời, chuyển đổi số phải tạo ra mức tăng trưởng kinh tế tương ứng từ 1–1,5%.

Quản lý khoa học theo kết quả đầu ra, thúc đẩy ứng dụng và tác động

Khoa học công nghệ phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhà nước chi 1 đồng cho nghiên cứu thì kết quả nghiên cứu đó, khi chuyển giao tới doanh nghiệp, phải tạo ra ít nhất 10 đồng doanh thu mới. Tương tự, 1 đồng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu và phát triển cũng phải kéo theo được 3–4 đồng đầu tư từ phía doanh nghiệp. KHCN cần đóng góp ít nhất 1% vào tăng trưởng GDP quốc gia.

Người làm khoa học ngày nay không thể chỉ dừng lại ở học hàm, học vị, số lượng bài báo hay các giải thưởng. Điều quan trọng là kết quả nghiên cứu phải có tác động thực tiễn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đổi mới sáng tạo chính là con đường để Việt Nam đưa KHCN ứng dụng vào cuộc sống. Từ ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng công nghệ đến cải tiến và sáng tạo công nghệ – tất cả đều nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động, gia tăng tổng năng suất các yếu tố (TFP).

Đổi mới sáng tạo phải giúp Việt Nam tăng trưởng thêm 3% GDP mỗi năm. Mỗi bộ, ngành, địa phương cần có một trung tâm ĐMST, đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy nghiên cứu, kết nối nguồn lực và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Phát triển tài sản trí tuệ và chuẩn hóa tiêu chuẩn quốc gia

Chuyển dịch quan trọng nhất trong lĩnh vực SHTT là chuyển từ bảo vệ quyền sang tài sản hóa, thương mại hóa và thị trường hóa các kết quả nghiên cứu. Một quốc gia phát triển, tài sản trí tuệ có thể chiếm tới 80% tổng giá trị tài sản. Bởi vậy, phát triển, giao dịch và bảo vệ tài sản trí tuệ, đồng thời phòng chống hành vi xâm phạm, đánh cắp SHTT phải là trọng tâm của một quốc gia muốn phát triển.

Một xã hội dung túng cho hành vi trộm cắp là một xã hội không thể phát triển bền vững. Khi tình trạng xâm phạm quyền SHTT lan rộng, sức sáng tạo sẽ bị triệt tiêu, KH,CN&ĐMST không thể phát triển. Hành vi đánh cắp ý tưởng, sáng chế cũng giống như hành vi trộm cắp ngoài xã hội – đó là sự vi phạm đạo đức và cần phải bị lên án, xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội, văn hóa xã hội về SHTT

Trọng tâm của lĩnh vực năng lượng nguyên tử thời gian tới là điện hạt nhân thế hệ mới, lò hạt nhân module quy mô nhỏ. Điện hạt nhân trở thành điện xanh và điện nền, trở thành chiến lược quốc gia và Việt Nam phải làm chủ công nghệ hạt nhân.

Tiêu chuẩn là định hướng phát triển quốc gia. Quy chuẩn là hàng rào bảo vệ quốc gia. Số lượng tiêu chuẩn cần thiết cho sự phát triển đất nước mới đạt chưa tới 5%. Phải đổi mới rất mạnh mẽ công tác tiêu chuẩn hóa theo hướng hội nhập quốc tế.

Hoàn thiện khung pháp lý: phát triển bằng tri thức và công nghệ

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, đã thông qua 5 luật sửa đổi liên quan đến KHCN, là Luật KH,CN&ĐMST, Luật Công nghiệp CNS, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi. Các nghị định và thông tư liên quan, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật sẽ được ban hành ngay trong năm 2025 để có hiệu lực cùng ngày với các luật.

Các luật này có nhiều đổi mới quan trọng. Luật KH,CN&ĐMST chuyển từ quản lý quá trình sang quản lý đầu ra, gắn nghiên cứu với ứng dụng, lấy ĐMST là động lực đưa tri thức vào thực tiễn, xây dựng đại học thành các trung tâm nghiên cứu KHCN và doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST.

Luật Công nghiệp CNS xác lập ngành công nghiệp CNS là một ngành kinh tế trọng điểm, mở rộng phạm vi điều chỉnh sang dữ liệu, nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, tài sản số, kinh tế số, chú trọng tự cường thông qua phát triển doanh nghiệp công nghệ số Make in Vietnam.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật xác định tiêu chuẩn là định hướng phát triển quốc gia, thúc đẩy năng suất, chất lượng và đổi mới; quy chuẩn là hàng rào bảo vệ quốc gia, bảo vệ sức khỏe, môi trường, an ninh, chủ quyền kỹ thuật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyển từ tư duy tiền kiểm là chính sang hậu kiểm dựa trên rủi ro, nhằm bảo vệ người tiêu dùng, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới và hội nhập quốc tế. Quy định về chuyển đổi số toàn diện, kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương để xây dựng một nền tảng số quốc gia về chất lượng, thực hiện hậu kiểm trên môi trường số.

Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi tạo hành lang pháp lý để triển khai nhanh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, mở rộng ứng dụng năng lượng nguyên tử sang các lĩnh vực khác, xác định việc làm chủ công nghệ hạt nhân, nhất là công nghệ điện hạt nhân thế hệ mới, lò hạt nhân module quy mô nhỏ, nhằm đảm bảo điện linh hoạt cho CĐS xanh.

Từ nay đến cuối năm 2025, Bộ KH&CN sẽ phải hoàn thành và thông qua 4 luật, bao gồm 1 luật mới và 3 luật sửa đổi, đó là: Luật CĐS, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ.

Như vậy là chỉ riêng năm 2025, Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì soạn thảo 9 luật liên quan đến KHCN,ĐMST&CĐS. Trước đây, một khóa 5 năm mà thông qua 1–2 luật đã là nhiều. Với số lượng lớn các luật phải soạn thảo, và trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Nghị quyết 57, thì đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao, có cách làm mới và làm việc không kể ngày đêm mới có thể hoàn thành.

Luật KH,CN&ĐMST đã tạo ra thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu với mục tiêu là tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị, thì Luật SHTT sửa đổi phải biến các kết quả nghiên cứu này thành tài sản trí tuệ để giao dịch được, khi đó mới có thị trường KHCN. Các vấn đề mà Luật SHTT sửa đổi phải xử lý là: SHTT phải trở thành công cụ chiến lược để bảo vệ và chiếm lĩnh công nghệ; SHTT là công cụ cạnh tranh công nghệ; SHTT phải gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu phát triển, ĐMST, phát triển trong môi trường số và công nghệ mới.

Thể chế đổi mới: Gắn nghiên cứu với thị trường và quốc tế

Luật Công nghệ cao (CNC) sửa đổi là để tạo ra mảnh đất phát triển CNC, sản xuất ra CNC. Công nghệ cao bây giờ là chiến lược tự chủ công nghệ và chủ quyền số của một quốc gia. CNC là trụ cột chiến lược về an ninh kinh tế, quốc phòng – an ninh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đổi mới căn bản của Luật CNC là: các ưu đãi cho nhà đầu tư sẽ dựa trên mức độ chuyển giao công nghệ, mức độ nội địa hóa, mức độ R&D tại Việt Nam; khu CNC chuyển đổi thành đô thị CNC, với đầy đủ các tiện ích sống thì mới thu hút được nhà khoa học tài năng đến đó. Khu Phố Đông của thành phố Thượng Hải dành tới 90km² (tức là 9.000ha) để xây dựng khu đô thị KHCN, với 400.000 người sinh sống và làm việc, trở thành Silicon Valley của Trung Quốc.

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu vốn là khâu yếu của chúng ta. Nhưng nếu không giải quyết được câu chuyện này thì kết quả nghiên cứu sẽ không đến được doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm, doanh thu, không tác động được vào nền kinh tế.

Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi là nhằm đưa công nghệ tới doanh nghiệp, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp góp phần tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Sắp tới đây, đất nước sẽ có nhiều dự án lớn quốc gia, chúng ta muốn thông qua các dự án lớn này để hình thành các ngành công nghiệp trong nước, muốn các doanh nghiệp Việt Nam nhận chuyển giao từ đối tác nước ngoài để làm chủ công nghệ.

Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi sẽ tạo khung pháp lý thuận lợi hơn nữa cho chuyển giao công nghệ (không chỉ từ nước ngoài vào Việt Nam mà còn là giữa viện, trường và doanh nghiệp trong nước), đồng thời ngăn chặn các công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số đã thấm sâu vào hoạt động hàng ngày của đất nước, nhưng chúng ta chưa có luật về CĐS. Ban Chỉ đạo 57 đã quyết định giao xây dựng và thông qua Luật CĐS tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vào cuối năm nay. Luật này sẽ lấp đầy các mảnh ghép còn thiếu và là một luật khung để thống nhất, kết nối các luật liên quan đến CĐS do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo, nhằm hình thành một khung kiến trúc Việt Nam số hoàn chỉnh.

Luật CĐS xác định vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy chuyển đổi số là: dẫn dắt, tạo điều kiện và giám sát; tạo cơ chế quản lý dữ liệu số; khung thể chế cho nền tảng số và dịch vụ số; tài chính cho CĐS; văn hóa số; phát triển nhân lực, kỹ năng số, coi ngôn ngữ số như ngôn ngữ thứ ba bên cạnh tiếng Việt để giữ gìn bản sắc và tiếng Anh để hội nhập, để mỗi người Việt Nam thành thạo 3 ngôn ngữ này như biết đọc, biết viết; quản trị rủi ro trong quá trình CĐS và bảo đảm an toàn không gian số; giám sát và đánh giá hiệu quả CĐS.

Hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất

Với 9 luật được thông qua trong năm 2025 và 3 luật đã ban hành trước đó là Luật Viễn thông, Luật Tần số, Luật Giao dịch điện tử, cùng các luật chuyên ngành khác, Bộ KH&CN kỳ vọng rằng hành lang pháp lý cho KHCN,ĐMST&CĐS đã đủ thông thoáng để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ba trụ cột này. Nếu có vướng mắc trong quá trình thực thi, chúng ta đã có cơ chế để Chính phủ ban hành nghị định tháo gỡ khó khăn pháp lý trong 2 năm, trước khi báo cáo Quốc hội để sửa luật – giống như một loại sandbox thể chế.

Bây giờ là lúc chúng ta phải hành động – làm thật nhiều, làm những việc lớn, hướng đến kết quả cuối cùng là tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, để qua đó bộc lộ các khó khăn và tiếp tục tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng