Khoa học công nghệ phải mang lại tác động kinh tế cụ thể

12:34, 15/07/2025

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh khoa học công nghệ phải mang lại tác động kinh tế cụ thể, phải hướng tới kết quả cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ mới có sứ mệnh quan trọng là đưa Việt Nam vào giai đoạn phát triển mới, phát triển dựa trên khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS), từ thu nhập trung bình cao trở thành thu nhập cao.

518242215_2560128287712588_510689773602750098_n

Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần thực hiện những chuyển dịch mang tính chiến lược trong từng lĩnh vực.  Cụ thể, lĩnh vực bưu chính sẽ trở thành hạ tầng logistics của nền kinh tế số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Dòng chảy vật chất phải nhanh, chính xác và an toàn đến tận tay doanh nghiệp và người tiêu dùng. Càng chuyển đổi số mạnh mẽ, tải lên mạng lưới bưu chính càng tăng.

Lĩnh vực viễn thông sẽ là hạ tầng số quốc gia, trở thành hạ tầng chiến lược giống như giao thông và điện. "Phải phổ cập, băng thông siêu rộng, dung lượng siêu lớn, xanh và an toàn. Phủ sóng 5G sâu và rộng toàn quốc là nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lĩnh vực CĐS không chỉ là ứng dụng công nghệ mà là thay đổi mô hình hoạt động. Chuyển đổi số là số hóa toàn diện, rồi sử dụng công nghệ số, nhất là AI để xử lý dữ liệu số. Nhưng thay đổi mô hình hoạt động mới là công đoạn quan trọng nhất để phát huy hiệu quả CĐS. Chi ngân sách nhà nước cho CĐS là 1% thì xã hội phải chi cho CĐS gấp 3-4 lần như vậy. CĐS phải tạo ra tăng trưởng kinh tế từ 1-1,5%.

KHCN phải mang lại tác động kinh tế cụ thể. KHCN phải hướng tới kết quả cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhà nước chi 1 đồng cho nghiên cứu thì kết quả nghiên cứu này đến doanh nghiệp phải tạo ra 5-10 đồng doanh thu mới.

ĐMST là con đường đưa công nghệ vào cuộc sống. Ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng công nghệ, cải tiến công nghệ và tiến tới sáng tạo công nghệ. ĐMST phải giúp Việt Nam tăng trưởng 3% GDP. Mỗi bộ ngành, mỗi địa phương phải có một trung tâm ĐMST.

Với sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển dịch từ bảo vệ quyền sang thương mại hóa, tài sản hóa các kết quả nghiên cứu. Một quốc gia phát triển là quốc gia có tới 80% tài sản là tài sản trí tuệ. Chúng ta cần xây dựng nhận thức xã hội, đạo đức xã hội, văn hóa xã hội về sở hữu trí tuệ. Ăn cắp ý tưởng, sáng chế cũng như ăn cắp trong xã hội, là vấn đề vi phạm đạo đức, cần bị lên án và trừng phạt.

Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trọng tâm thời gian tới là phát triển điện hạt nhân thế hệ mới, lò hạt nhân module quy mô nhỏ. Điện hạt nhân là điện xanh và điện nền, là chiến lược quốc gia và Việt Nam phải làm chủ công nghệ hạt nhân.