Kiến thức cơ bản về mực in
Cần quan tâm đặc biệt đối với mực in; những thuật ngữ dùng để nói đến mực in thường khó hiểu và các hãng sản xuất không phải lúc nào cũng nói rõ về ưu điểm và khuyết điểm của các loại mực cho bạn chọn.
Hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về các công nghệ mực in phổ biến nhất, và cung cấp vài thông tin cơ bản về cách dùng mực, loại mực nào thích hợp cho công việc nào. Hy vọng hướng dẫn này sẽ giúp bạn đi đúng hướng và bớt để ý đến nhiều loại máy in mà chỉ tập trung vào loại nào hữu ích nhất cho bạn.
Mực ruy băng (ribbon)
Tốt hơn là chúng ta nên bắt đầu với công nghệ mực in cơ học lâu đời nhất, đó là mực ruy băng từng được nhiều người tin dùng. Tàn dư của thời đại máy đánh chữ dù sao cũng chưa hoàn toàn biến mất, dù đã có các công nghệ mực in hiện đại khác xuất hiện.
Ruy băng mực ngày nay chỉ giới hạn cho các ứng dụng đặc biệt. Thí dụ, ruy băng mực bằng vải kiểu cổ vẫn còn được dùng trong các môi trường chú trọng đến độ tin cậy cao mà không cần đến chất lượng, như in biên lai hay hóa đơn.
Tuy nhiên, các loại ruy băng khác, như ruy băng in nhiệt, có thể in ra chất lượng rất cao và có thể thường in các chất màu đặc biệt, như lá kim loại, mà loại này khó có thể thay thế bằng các công nghệ khác.
Giấy in nhiệt
Giấy in nhiệt được tẩm với một hóa chất và chất này ngả sang màu tối khi tiếp xúc với nhiệt. Loại giấy này có nhiều lợi thế so với các công nghệ in truyền thống vì không cần có hộp chứa đầy mực. Điều này khiến thiết kế cơ học và sử dụng máy in rất đơn giản và rất êm.
Vì lý do trên, giấy in nhiệt thường được dùng trong các ứng dụng nào mà độ tin cậy và tính dễ bảo trì được xem là quan trọng; đối với người tiêu dùng, loại máy này là máy in nhãn dán, như các máy do Dymo và Brother sản xuất.
Có điểm hạn chế là giấy in nhiệt đắt tiền và thường chỉ in ra được một màu. Một điểm bất lợi khác là chất lượng của giấy in giảm khá nhanh khi để nơi nắng nóng, thí dụ như bảng đồng hồ xe ô tô.
Mực dạng lỏng
Nếu bạn dùng máy in phun, bạn phải sử dụng mực in dạng lỏng - phương pháp không khác mấy so với những gì bạn thấy trong bút bơm mực của những năm trước đây. Trong máy in, mực được bơm bằng nhiều phương pháp khác nhau qua các vòi rất nhỏ trong đầu in, “vẽ” lên giấy những điểm mà sau cùng tạo thành hình ảnh hay văn bản.
Hầu hết mực in tiêu dùng là chất màu nước, lý tưởng cho các ứng dụng chú trọng đến bản in chất lượng cao, như ảnh chụp và bản vẽ. Tuy nhiên, do cách pha chế, các loại mực này bị 2 khiếm khuyết: một là chúng thường bị lem; hai là không bền màu và thường phai theo thời gian.
Cách dễ nhất để giải quyết vấn đề này là sử dụng đúng loại giấy. Nguyên liệu giấy dùng cho in phun đặc biệt được chế tạo sao cho không bị dễ thấm nước, do đó buộc mực phải khô trên mặt giấy và cho hình ảnh sắc nét hơn.
Đối với vấn đề thứ hai, bạn cần phải xét đến loại mực có chất lượng lưu giữ, được pha chế với chất màu chống phai và dùng loại dung dịch không phải là nước để làm mực chịu được nước. Ngoài ra, có những nguyên liệu giấy được thiết kế đặc biệt để chống ố vàng và thoái hóa dùng để lưu giữ. Các nguyên liệu này thường được bán kèm với máy in ảnh chất lượng cao và đắt tiền.
Mực dạng đặc
Mực dạng đặc là một chất giống như sáp được bán theo kiểu từng blốc nhỏ cho từng màu sơ chế để tạo hình ảnh trên giấy (màu lục lam, đỏ tươi, vàng và đen, hay CMYK – cyan, magneta, yellow, black). Bên trong máy in, mực được làm chảy và được phun lên một ống lăn mực có tra dầu bằng công nghệ tương tự trong các máy in offset.
Lợi điểm chính của công nghệ mực in dạng đặc là in nhanh, có độ tin cậy và thân thiện với môi trường, mực in không độc và an toàn để sử dụng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu thường cao hơn so với chi phí đầu tư cho máy in laser.
Dù chất lượng ảnh không tốt bằng so với in phun, mực dạng đặc có thể được dùng để in đồ họa màu độ phân giải cao và thường được dùng trong văn phòng do chi phí bảo trì thấp.
Mực dạng bột
Mực dạng bột dùng cho máy in laser; loại mực này được làm bằng cách liên kết một chất màu với một polymer để tạo thành một loại bột nhuyễn có tính chất điện học đặc biệt.
Bên trong máy in, một tia laser “vẽ” hình ảnh cần in lên một tang trống (drum), nạp tang này với một điện tích tĩnh điện. Tang trống sẽ quay lên hộp đựng mực bột, hút bột mực mà sau đó được chuyển lên giấy và làm chảy ngay chỗ cần in.
Mực dạng bột ưu việt về độ bền và chất lượng, nhất là cho các ứng dụng như in văn bản và bản vẽ nét đơn. Khi đã được in lên giấy, mực bột không bị phai và khó tróc. Tuy nhiên, loại mực này không tốt để in ảnh, trong khi máy in phun có thể in độ phân giải cao và do đó cho ra hình ảnh tốt hơn.
Công nghệ thăng hoa mực nhuộm
Loại công nghệ mực in cuối cùng mà chúng ta sẽ xét đến là công nghệ thăng hoa mực nhuộm (dye), theo đó một loại chất nhuộm đặc biệt được làm nóng thật nhanh để chuyển từ dạng rắn sang dạng hơi mà không qua giai đoạn hóa lỏng. “Đám mây” mực thu được lắng lên giấy tạo thành một điểm màu.
Không giống công nghệ in phun, các điểm màu được in bằng máy in thăng hoa mực nhuộm (dye-sub printer) có viền mờ hòa lẫn vào với nhau, cho ra ảnh in chất lượng cao, nhất là khi dùng với giấy in chuyên dùng.
Tuy nhiên, cùng với giá bán cao, tính năng nói trên khiến công nghệ thăng hoa mực nhuộm không lý tưởng cho việc in nội dung có viền sắc nét, như văn bản hay bản vẽ vectơ.
Máy in dùng cho mọi mục đích
Một khía cạnh thú vị của thị trường máy in là ngày càng có nhiều công nghệ mực in chuyên dùng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tổng hợp. Điều này khiến vệc sở hữu nhiều máy in chuyên dùng không còn là một ý tưởng điên rồ như trước đây.
(theo PCW VN)