Kinh tế số xác lập luật chơi mới cho doanh nghiệp Việt Nam
Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global): Kinh tế số không chỉ thay đổi hành vi kinh tế của các chủ thể, mà còn đưa đến cách làm việc, suy nghĩ và những “luật chơi” mới.
Theo GS.TS Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global): Kinh tế số sẽ xác lập luật chơi mới cho thị trường.
Chia sẻ về vấn đề phát triển kinh tế số trên thế giới và Việt Nam GS.TS Nguyễn Đức Khương cho biết: Trước tiên, ở phạm vi toàn cầu, kinh tế số đang có những bước phát triển rất nhanh. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các tiến bộ công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, dữ liệu lớn, nền tảng trực tuyến, chuỗi khối (blockchain) vào tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để tăng năng suất chính là nền tảng của kinh tế số. Biểu hiện ra bên ngoài là quá trình chuyển đổi số, đưa đến mô hình kinh doanh số, chính phủ số và xã hội số. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2022, kinh tế số chiếm 15% GDP toàn cầu và khoảng 60% GDP toàn cầu dựa vào các công nghệ kỹ thuật số. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì dự báo 70% nền kinh tế toàn cầu sẽ đến từ công nghệ kỹ thuật số vào năm 2030.
Tại Việt Nam, khu vực kinh tế số đã có những bước bứt phá đáng kể, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ tài chính số, vận tải số và nền tảng truyền thông số. Theo báo cáo kinh tế số ở Đông Nam Á năm 2022, Google và Temasek & Bain Company ước tính kinh tế số Việt Nam xếp ở vị trí số 1 trong khu vực về tốc độ tăng trưởng (28%), tăng từ 18 tỷ USD năm 2021 lên khoảng 23 tỷ USD năm 2022. Cũng theo báo cáo này, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể tiến tới mốc 50 tỷ USD vào năm 2050; trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất.
Điều đáng ghi nhận là rất nhiều chính sách và quyết sách đúng đã và đang tạo đà và bệ phóng cho kinh tế số, trong đó phải kể đến Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phản ứng kịp thời ở góc độ chính sách đã tạo được định hướng và niềm tin của thị trường.
Đánh giá về lợi ích cũng như thách thức khi kinh tế số vận hành theo mô hình mới, GS.TS Nguyễn Đức Khương cho biết:
Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần có thời gian. Quá trình chuyển đổi tiến tới doanh nghiệp số, chính phủ số và xã hội số cũng vậy. Nó không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật, mà còn là quá trình chuyển đổi nhận thức, tư duy và cách làm trong một môi trường yêu cầu những kỹ năng rất mới. Ưu thế lớn nhất của nước ta và cũng là điều tạo nên sức phát triển mạnh mẽ của kinh tế số là dân số trẻ, người Việt Nam chúng ta có năng lực học hỏi và thích ứng công nghệ cao.
Hơn nữa, khi xuất phát điểm về khoa học công nghệ chưa cao thì các thách thức sẽ nhiều hơn. Đây chính là hàng rào kỹ thuật, bao gồm: Tính đồng bộ của hạ tầng số, nền tảng viễn thông, năng lực kết nối số, khung pháp lý cho môi trường số hoá, quy định về ứng xử trong môi trường số và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế số.
Trực tiếp với khối doanh nghiệp thì phải nhắc đến năng lực nghiên cứu phát triển, và đổi mới sáng tạo. Kinh tế số không chỉ thay đổi hành vi kinh tế của các chủ thế, mà còn đưa đến cách làm việc, suy nghĩ và những “luật chơi” mới. Thiếu sự quyết tâm trong chuyển đổi số và một văn hóa sáng tạo thì các doanh nghiệp sẽ mất dần khả năng cạnh tranh và năng lực thích ứng nhanh với thị trường. Các doanh nghiệp tập đoàn có tham vọng vươn tầm ra thế giới cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi hội nhập và làm ăn với các đối tác quốc tế. Kinh tế số sẽ phát triển rất tốt nếu xây dựng được “niềm tin số” (digital trust) giữa các chủ thể trong môi trường số hoá.
Khi không biết chủ thể tương tác với mình là ai và mức độ an toàn cũng như tính pháp lý của nền tảng công nghệ đang sử dụng thì bất kỳ ai cũng sẽ dừng các giao dịch trực tuyến. Do vậy, chúng ta cần một hành lang pháp lý đủ rộng và nghiêm minh. Điều này cho phép xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số tốt hơn thông qua thúc đẩy thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, để đảm bảo công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp khác nhau, cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, đồng thời hạn chế những hành vi phạm tội trong kinh tế số.
Thành Nam (T/h)