Phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

12:16, 06/04/2023

Được xác định tại các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3-6-2020, phát triển hạ tầng số là nền tảng phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Theo các chuyên gia, hạ tầng số có vai trò quan trọng, được ví như “hạ tầng của hạ tầng”. Tuy nhiên, có một thực tế là để phát triển hạ tầng số cần sự vào cuộc của nhiều thành phần kinh tế, xã hội…

Ảnh minh họa.

Hạ tầng số tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững

Hạ tầng số gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và các nền tảng số. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số. Ước tính đến tháng 3-2023, hạ tầng băng rộng di động (mạng 3G, 4G, 5G) phủ sóng 99,8% số thôn, xóm trên toàn quốc; thuê bao băng rộng di động đạt 84,36 triệu, tương ứng với tỷ lệ 84,8% tính trên 100 dân; thuê bao băng rộng cố định đạt 21,77 triệu, tương ứng với 21,9 thuê bao/100 dân.

Tốc độ băng rộng di động tháng 2-2023 đạt 42,67Mbps, tăng 18,7% so với cùng kỳ, xếp thứ 52 thế giới và cao hơn trung bình thế giới (39,77Mbps). Tốc độ băng rộng cố định tháng 2-2023 đạt 91,6Mbps, tăng 39,6%, xếp thứ 39 thế giới và cao hơn trung bình của thế giới (79,62Mbps). Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet nhanh nhất với hơn 75% dân số được nối mạng, đứng thứ 13 trên thế giới.

Tuy nhiên, một số vấn đề ảnh hưởng tới tính bền vững của hạ tầng số cũng đã bộc lộ, như 4/5 tuyến cáp quang biển gặp sự cố hồi đầu năm nay không thể khắc phục ngay, khiến internet kết nối đi quốc tế bị ảnh hưởng. Chất lượng mạng di động chưa như mong muốn của người dùng… Hạ tầng điện toán đám mây, mặc dù đã đầu tư đồng bộ các trung tâm dữ liệu hiện đại, nhưng thị phần của doanh nghiệp trong nước mới chỉ chiếm trên 19% (khoảng 900 tỷ đồng), trên 80% thị phần còn lại thuộc về các nhà cung cấp nước ngoài.

Đầu tư cho phát triển hạ tầng số vẫn còn nhiều hạn chế do nguồn ngân sách còn khiêm tốn, trong khi khả năng xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng số còn khó khăn. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng khẳng định, việc triển khai hạ tầng viễn thông thụ động (nhà trạm, cột BTS…) mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí cũng là thách thức cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Tô Dũng Thái cho biết, việc phát triển mạng 5G cần đầu tư nguồn vốn rất lớn (do số trạm thu phát sóng 5G gấp 3-4 lần mạng 3G, 4G), nên ngoài việc dùng chung hạ tầng giữa các nhà mạng, cũng cần tính tới phương án xã hội hóa đầu tư…

Giải bài toán thu hút đầu tư

Để đạt mục tiêu về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, Cục Viễn thông cũng cho rằng phải khuyến khích, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số gấp 2-3 lần so với giai đoạn vừa qua thông qua nguồn lực đầu tư từ xã hội, trong đó có khối tư nhân. Còn ông Tào Đức Thắng cho hay, Viettel đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển hạ tầng thụ động nhằm huy động tổng thể các nguồn lực trong xã hội, như doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đô thị, điện lực vốn có lợi thế trong xây dựng các cột điện, cột chiếu sáng… có thể đầu tư phát triển hạ tầng thụ động để các nhà mạng thuê lại.

Thông tin về hạ tầng điện toán đám mây, đại diện Cục Viễn thông cho biết, dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi có phạm vi điều chỉnh đến điện toán đám mây (cloud computing, cloud), trung tâm dữ liệu (DC). Việc sửa đổi thể hiện quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển các dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây. Ví dụ theo dự thảo luật, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây không bị yêu cầu hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài khi đầu tư.

Cục Viễn thông cũng đang xây dựng các chính sách về huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tư nhân vào phát triển hạ tầng. Doanh nghiệp nhà nước tập trung nguồn lực vào các địa bàn chưa có hạ tầng cáp quang, nhất là vùng sâu, vùng xa. Cơ quan quản lý cũng sẽ tổ chức đấu giá băng tần 2,3-2,4GHz cho các nhà mạng để phát triển hạ tầng 4G, 5G; đồng thời thúc đẩy dùng chung hạ tầng mạng vô tuyến và roaming.

Về tầm quan trọng của xây dựng hạ tầng số để phát triển công nghệ số và chuyển đổi số, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia đi đầu về chuyển đổi số, nhờ sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong nỗ lực hướng đến nền kinh tế số. Để tiếp tục phát triển, hạ tầng số phải đi trước. Muốn vậy, cần ưu tiên phát triển hạ tầng đám mây, các trung tâm dữ liệu. Cũng như tuyến cáp quang tại Việt Nam phải do Việt Nam xây dựng, dữ liệu tại Việt Nam phải do người Việt tạo ra và lưu giữ. Nếu không có hạ tầng số sẽ không có chủ quyền số.

Thành Nam (T/h)