Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021): Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ

15:19, 02/06/2021

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, rèn luyện, lãnh đạo Đảng ta. Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021) chúng ta cùng ôn lại hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người.

Nửa đầu thế kỷ XIX, Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất dưới sự cai quản của triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp nổ súng ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược và từng bước thôn tính Việt Nam. Chế độ phong kiến Việt Nam lúc đó nằm trong sự khủng hoảng không đủ sức chống đỡ. Triều đình nhà Nguyễn đã dần thỏa hiệp và đầu hàng hoàn toàn, bán nước ta cho Pháp với điều ước Pa-tơ-nốt năm 1884. Đất nước rơi vào tay giặc, nhân dân sống kiếp lầm than khi Việt Nam trở thành “một xứ thuộc địa, dân ta vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”.

Thực dân Pháp sử dụng những chính sách bóc lột, cai trị tàn độc nhất, hà khắc nhất của chủ nghĩa đế quốc đối với thuộc địa Việt Nam. Đó là “chế độ độc tài chuyên chế nhất, nó vô cùng khả ố và khủng khiếp hơn cả chế độ chuyên chế của nhà nước quân chủ châu Âu đời xưa”. Nó được thể hiện ở việc, chúng biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ hàng hóa ế thừa của chính quốc, ra sức vơ vét tài nguyên khoáng sản của nước ta, bóc lột sức lao động của người dân một cách rẻ mạt và hàng trăm thứ thuế khóa nặng nề phi lý.

Từ chính sách cai trị, bóc lột tàn độc của thực dân Pháp đã tạo ra mâu thuẫn giữa toàn bộ dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp ngày càng sâu sắc, trở thành mâu thuẫn chủ yếu nhất trong xã hội. Cũng chính từ mâu thuẫn này, hàng trăm cuộc khởi nghĩa, đấu tranh anh dũng của nhân dân ta chống kẻ thù xâm lược đã nổ ra khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên những cuộc khởi nghĩa từ năm 1858 đến 1920 đều thất bại. Nguyên nhân thất bại, vì thiếu một đường lối đúng đắn, thiếu một phương pháp đấu tranh thích hợp và nhất là chưa có một tổ chức lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cách mạng n­ước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đ­ường lối, về giai cấp lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, nhiều ngư­ời Việt Nam đã ra nước ngoài để tìm con đường mới giải phóng cho dân tộc trong đó có người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Mặc dù rất khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Nhưng Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào, vì: “Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu Người Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận thấy điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau. Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì Cụ còn nặng cốt cách phong kiến”, mà con đường theo lập trường phong kiến thì đã hết thời.

Bằng khát vọng giải phóng dân tộc, cùng với thiên tài trí tuệ, nhãn quan chính trị sắc bén và được kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Nhưng khác với các bậc tiền bối, hướng đi của Người trước hết là sang Pháp, Anh, Mỹ và nhiều nước đế quốc thực dân.

Bến Nhà Rồng, nơi Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. (Nguồn ảnh: Tư liệu/TTXVN) 

Ngày 6-7-1911, Nguyễn Tất Thành đến cảng Mácxây, thấy ở Pháp cùng có người nghèo như bên nước mình. Nguyễn Tất Thành thắc mắc tự hỏi: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta?”. Làm thuê trên chiếc tàu đi vòng quanh châu Phi, tận mắt trông thấy những cảnh khổ cực, chết chóc của người da đen dưới roi vọt của bọn thực dân, Nguyễn Tất Thành nghĩ: Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu.

Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua châu Phi và những năm tháng ở Mỹ, Anh. Một lần tàu ghé qua Đácca thủ đô của nước Xê-nê-gan, ở phía tây châu Phi, vào lúc sóng biển đang gầm thét dữ dội. Tàu vật lộn mãi với sóng gió, vẫn không vào được bờ và cũng không thả ca nô xuống được. Bọn chủ tầu đứng trên bờ bắt người da đen bản xứ phải thay nhau nhảy xuống biển để liên lạc với tàu. Họ đã bị sóng biển cuốn trôi đi một cách tàn nhẫn. Trước cảnh tượng đó Nguyễn Tất Thành rất xúc động và khóc trước cảnh đối xử dã man của bọn thực dân da trắng đối với người dân thuộc địa và liên tưởng một cách tự nhiên đến số phận người dân Việt Nam và rút ra: họ cũng là nạn nhân của sự hung ác, vô nhận đạo của bọn thực dân da trắng gây nên. Tính mạng của người bản xứ, không kể là da đen hay da vàng, đều không đáng giá một xu. Những sự việc như vậy diễn ra khắp nơi trên đường đi qua, đã tạo nên  ở Nguyễn Tất Thành sự đồng cảm sâu sắc với số phận chung của nhân dân các nước thuộc địa.

Giữa tháng 12-1912, Nguyễn Tất Thành tới nước Mỹ, Người dành một phần thời gian để lao động kiếm sống, còn phần lớn thời gian dành cho học tập, nghiên cứu Cách mạng tư sản Mỹ năm 1776. Khi thăm pho tượng Thần Tự do, Nguyễn Tất Thành không để ý đến ánh hào quang quanh đầu tượng mà xúc động trước cảnh những nô lệ da đen dưới chân tượng.

Khoảng cuối năm 1913 đầu năm 1914, Nguyễn Tất Thành rời nước Mỹ sang Anh. Để sinh sống Nguyễn Tất Thành phải làm rất nhiều công việc nặng nhọc, từ cào tuyết cho một trường học đến đốt lò, phụ bếp trong khách sạn... Mặc dù sống trong cảnh làm thuê ngột ngạt, khổ cực nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Nước Anh cũng mang trong mình nó những mâu thuẫn cơ bản giữa vô sản và tư sản như ở Mỹ, tuy không có xung đột chủng tộc nhưng lại có các cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa trải từ châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đến châu Đại Dương và đặc biệt là cuộc đấu tranh của nhân dân Airơlen từ thế kỷ XIX.

Những năm tháng sống ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã tích lũy thêm được những hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư sản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, chính quốc và thuộc địa của một nước tư bản chủ nghĩa sớm phát triển, nhất là trang bị mình một trình độ kiến thức khá vững vàng về tiếng Anh – một công cụ giao tiếp rất quan trọng trong sinh hoạt và đấu tranh chính trị. Nhưng ở nước Anh, rất cách biệt với tình hình trong nước; không có liên hệ với đời sống của đồng bào mình nơi đất khách quê người; xa những nhà yêu nước lưu vong; khó khăn trong việc đi sâu tìm hiểu kẻ thù trực tiếp áp bức, bóc lột dân tộc dân tộc mình để có thế chọn lựa con đường cứu nước đúng đắn mà Nguyễn Tất Thành mong muốn.

Vào thời gian này, ở trong nước đã xảy ra nhiều biến cố chính trị to lớn: năm 1916, xảy ra cuộc vận động khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục Hội với sự tham gia của vua Duy Tân; năm 1917 binh lính ở Thái Nguyên đứng lên khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của bọn thực dân. Nhận thấy nước Pháp là nơi có những điều kiện khách quan thuận lợi có thể thoản mãn những nhu cầu của mình nên Nguyễn Tất Thành quyết định rời nước Anh trở về Pháp vào năm 1917.

Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ. (Nguồn ảnh: Nhà xuất bản trẻ)

Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, Người trả lời: Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo lý tưởng cao quý của Đại cách mạnh Pháp: “tự do, bình đẳng, Bác ái”. Tham gia trong hoạt động của những người yêu nước Việt Nam tại Pháp và đặc biệt, khi tiếp cận được với Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa thì đích Người cần tìm đã đạt được. Luận cương của V.I.Lênin đã chỉ ra những điều mà Người đang tìm, tức là chỉ có chủ nghĩa xã hội, chỉ có cách mạng vô sản mới là con đường giải phóng chúng ta. Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình.

Mặc dù Bản yêu sách tám điểm của Người với bút danh Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị hòa bình ở Véc xây - Pháp (1919) không được xem xét nhưng “Người Pháp coi cuộc đấu tranh đó là một quả bom làm chấn động dư luận nước Pháp. Còn người Việt Nam coi đó là tiếng sấm mùa xuân... độ ấy người mình ở Pháp gặp nhau đều nói độc lập, tự quyết, đều nói đến Nguyễn Ái Quốc. Chính cái tên Nguyễn Ái Quốc, bản thân nó có sức hấp dẫn kỳ lạ”. Qua đây, Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc; muốn được giải phóng các dân tộc thuộc địa không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh; và các dân tộc chỉ có thể dựa vào lực lượng của bản thân mình, vào chính thực lực của bản nhân dân mình.

Bằng hoạt động thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua tầm nhìn hạn chế, ảo tưởng mong chờ sự giúp đỡ của các chính phủ đế quốc đã từng tồn tại ở một số nhà yêu nước khác cùng thời. Nguyễn Ái Quốc nhận rõ, trong thế giới chỉ có “một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.

Vào tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’Humanité, Người nhận ra: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Nguyễn Ái Quốc tìm thấy trong Luận cương của Lê nin lời giải đáp về con đường giải phóng cho nhân dân Việt Nam; lời giải đáp về vấn đề dân tộc thuộc địa trong mối quan hệ với phong trào cách mạng thế giới - mối quan hệ giữa yếu tố sức mạnh dân tộc với sự giúp đỡ, ủng hộ của quốc tế. Người nhận thức được rằng: “Không có một sức mạnh thống nhất của cả nước, không có sự giúp đỡ mạnh mẽ của bên ngoài, công cuộc vận động giải phóng khó mà thành công được”.

 Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. (Nguồn ảnh: hochiminh.vn) 

Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở Tua, với tư cách là đảng viên Đảng Xã hội Pháp. Tại diễn đàn quan trọng này, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo những sự thật tàn bạo mà thực dân Pháp đã thi hành ở Đông Dương. Người kêu gọi Đảng Xã hội Pháp hãy hành động để ủng hộ các dân tộc bị áp bức, trong đó có nhân dân Đông Dương: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”, rằng “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa... đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa... Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!”. Chính tại đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế thứ ba Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Tất Thành và trong lịch sử cách mạng nước ta.

Cuộc gặp gỡ với chủ nghĩa Mác - Lênin vào những năm 20 của Thế kỷ XX là sự kiện đánh dấu Nguyễn Ái Quốc giác ngộ lập trường, quan điểm vô sản và quyết định lựa chọn con đường giải phóng dân tộc ở Việt Nam theo quỹ đạo của cách mạng vô sản.

Giai đoạn 10 năm Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở các nước Châu Phi, ở nước Mỹ, nước Anh, nước Pháp không chỉ tìm thấy con đường cứu nước giải phóng dân tộc mình, không chỉ có công lao to lớn đối với dân tộc Việt Nam mà Người còn có công lao to lớn đối với các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Hồ Chí Minh đã có đóng góp không nhỏ cho phong trào cách mạng vô sản nói chung, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc tại châu Á, trên thế giới nói chung.

Khúc Thị Phương Thảo

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.10.

 2. Phan Văn Trường: Bài đăng trên tờ báo La Cloche Félée, số 36 (21-1-1926)

 3. Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Trẻ, 2004,

4. Song Thành: Hồ Chí Minh Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2018.