Năng suất doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số

11:29, 08/07/2025

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, các quốc gia cần có chiến lược cụ thể và hành động đồng bộ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả.

Doanh nghiệp, năng suất và hành trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số. Việc ứng dụng các mô hình công nghệ và kinh doanh mới đã giúp nhiều doanh nghiệp bứt phá, gia tăng năng suất và mở rộng quy mô thị trường. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nguy cơ tụt hậu đối với những doanh nghiệp không theo kịp tiến trình đổi mới.

Trên thực tế, công nghệ số chưa được phổ biến rộng rãi trên toàn cầu và có sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia cũng như giữa các doanh nghiệp trong cùng một quốc gia. Một số doanh nghiệp tiên phong đã khai thác hiệu quả các công cụ số như hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP), phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí tuệ nhân tạo… để tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc còn chưa đủ điều kiện tiếp cận công nghệ mới.

Tác động của công nghệ số đến năng suất doanh nghiệp ngày một rõ nét.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tác động tích cực của công nghệ số đến năng suất có thể sẽ rõ ràng hơn trong tương lai, khi mức độ ứng dụng tăng lên trên diện rộng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm các công cụ số nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, cải thiện kỹ năng nhân lực và nâng cao hiệu quả vận hành. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự dịch chuyển kỹ năng lao động do tự động hóa, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để thích ứng với nhu cầu toàn cầu hóa ngày càng cao.

Các nền tảng kỹ thuật số không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế, mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thông qua việc phân tích dữ liệu và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn nhu cầu khách hàng, dự báo xu hướng thị trường, đồng thời kết nối và sử dụng các chuyên gia từ bên ngoài nhằm bổ sung nguồn lực thiếu hụt.

Cơ hội đi cùng thách thức

Dù mang lại nhiều cơ hội, chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc triển khai và vận hành công nghệ mới. Những rào cản chính bao gồm: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu vốn đầu tư, rủi ro an ninh mạng và bảo mật thông tin.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi trong cấu trúc tổ chức và phương thức phân bổ nguồn lực, điều mà nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng thực hiện. Sự trì trệ này có thể khiến doanh nghiệp đánh mất cơ hội tăng trưởng và làm giảm tính năng động của cả nền kinh tế.

Ảnh minh hoạ.

Để quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi và đạt mục tiêu nâng cao năng suất, các quốc gia cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Chính sách hỗ trợ tài chính, phát triển hạ tầng số, đào tạo nhân lực công nghệ và đảm bảo an ninh mạng là những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số. Việc thúc đẩy sự linh hoạt trong cơ chế hoạt động, cải thiện khả năng thích ứng với công nghệ mới, cũng như tăng cường hợp tác công – tư sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái số hiệu quả và bền vững hơn.

Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại. Để tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực nhân sự, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà nước trong việc xây dựng môi trường kinh doanh số minh bạch, linh hoạt và năng động.