Xác thực truy xuất nguồn gốc: Nền tảng để kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững

13:42, 08/07/2025

Xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa – dịch vụ không còn là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong nền kinh tế số. Các chuyên gia nhận định, khi được ứng dụng đúng cách và đồng bộ bằng công nghệ hiện đại, đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy một nền kinh tế minh bạch, hiệu quả và cạnh tranh cho Việt Nam.

Tại hội thảo "Xác thực truy xuất nguồn gốc - Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam" sáng 8/7 tại Hà Nội, do Hiệp hội Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an) tổ chức, nhiều ý kiến đã làm rõ vai trò và tiềm năng của công nghệ xác thực truy xuất nguồn gốc trong thực tiễn quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất – kinh doanh. Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, chuyên gia công nghệ và đại diện doanh nghiệp.

Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia thông tin (Bộ Công an) cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện và xử lý trên 40.000 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng trị giá xử phạt lên tới 6.500 tỷ đồng. Trong đó, đáng lo ngại là tình trạng giả mạo trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Đại tá Phạm Minh Tiến phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Tiến, khi kinh tế số đang trở thành trụ cột tăng trưởng quốc gia, thì việc bảo đảm tính xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin người tiêu dùng và hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay còn nhiều bất cập như mã định danh chưa thống nhất trên toàn quốc, dữ liệu bị phân mảnh theo ngành và thiếu nền tảng tích hợp để kiểm soát minh bạch chuỗi cung ứng.

 Đại tá Phạm Minh Tiến nhấn mạnh: “Việc phát triển các nền tảng công nghệ do chính các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ sẽ tạo lợi thế về tính tùy biến, bảo mật và phù hợp với đặc thù thị trường nội địa. Trung tâm Dữ liệu quốc gia cam kết đồng hành hỗ trợ về thể chế, kỹ thuật và an ninh để các nền tảng truy xuất phát triển bền vững, đóng góp cho công tác quản lý nhà nước cũng như lợi ích của người tiêu dùng”.

Chung quan điểm, ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) cho rằng: các vụ sản xuất – kinh doanh hàng giả nghiêm trọng gần đây cho thấy cần nhanh chóng siết quản lý bằng công nghệ. Ông ví von: “Chuyển đổi số chính là khoác lên hàng hóa chiếc áo thông minh, minh bạch và có thể kiểm chứng được, từ đó xây dựng lòng tin nơi người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ của Hiệp hội Dữ liệu quốc gia cũng lưu ý, hiện nhiều doanh nghiệp đã phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc riêng, nhưng chưa tuân theo tiêu chuẩn chung hoặc chưa kết nối được liên ngành, liên tỉnh. Ông nhấn mạnh: “Muốn truy xuất hiệu quả, phải có chính sách thống nhất từ trung ương đến địa phương, có nền tảng chung cho toàn quốc, và hướng đến kết nối quốc tế”.

Các chuyên gia khẳng định xác thực truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số.

Đưa ra góc nhìn quốc tế, bà Marion Chaminade, Tham tán Nông nghiệp tại Đại sứ quán Pháp chia sẻ kinh nghiệm từ EU: tại châu Âu, toàn bộ chuỗi cung ứng, từ trang trại đến bàn ăn, đều bắt buộc phải truy xuất rõ nguồn gốc và dán nhãn minh bạch. Công nghệ blockchain đang được ứng dụng rộng rãi trong kiểm soát gian lận nguồn gốc thực phẩm, dược phẩm, nông sản…

Tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cũng giới thiệu nhiều mô hình xác thực truy xuất hàng hóa đang được triển khai tại Việt Nam, đồng thời khuyến nghị cần xây dựng một hệ sinh thái công nghệ truy xuất đồng bộ, được tiêu chuẩn hóa theo cấp quốc gia và từng bước hội nhập quốc tế.

Xác thực truy xuất không chỉ là bài toán kỹ thuật, mà là nền tảng cho kinh tế số minh bạch và bền vững. Đây là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi từ “quản lý truyền thống” sang “quản lý thông minh”, nâng tầm năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời đại số hóa toàn cầu.