‘Kỹ sư 57’ - Đội quân chiến lược hiện thực hóa khát vọng Nghị quyết số 57-NQ/TW

16:33, 14/05/2025

Để hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, một lực lượng mới những “kỹ sư 57” mang tinh thần đổi mới, tư duy công nghệ và kỹ năng quản trị hiện đại đang được kỳ vọng trở thành xung lực quyết định.

Từ chiến sĩ kinh tế đến chiến sĩ AI

Ngày nay, “chiến tranh” không còn là cuộc đối đầu vũ trang mà là cuộc đua tri thức, công nghệ và nhân lực. Thông điệp này được ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhấn mạnh khi dẫn lại lời Tổng Bí thư Tô Lâm trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị “Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”. Trước đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) được Bộ Chính trị ban hành cuối năm 2024 đã xác định rõ yêu cầu cấp thiết phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng dẫn dắt và tổ chức thực thi chuyển đổi số trên quy mô quốc gia.

Theo ông Bình, nếu như năm 1945 cần “bình dân học vụ” để mọi người biết đọc, biết viết, thì thời đại ngày nay, mỗi người dân cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). “Mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị kiến thức công nghệ, kỹ năng về AI và khả năng làm việc với chuyên gia quốc tế. Đó là cách chúng ta phát huy tinh thần toàn dân, như trong kháng chiến, để vượt qua thách thức và hội nhập toàn cầu,” ông khẳng định.

Thế hệ trẻ cần được trang bị kiến thức công nghệ, kỹ năng về AI và khả năng làm việc với chuyên gia quốc tế trong thời đại mới. Ảnh minh họa

Không dừng lại ở việc học công nghệ, ông Trương Gia Bình cảnh báo nếu không kịp thời đào tạo nhân lực AI, Việt Nam có thể bị tụt lại trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngược lại, nếu đi đầu trong đào tạo, đất nước hoàn toàn có thể trở thành trung tâm cung ứng nhân lực AI cho thế giới.

Từ góc độ giáo dục, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng sự xâm nhập nhanh chóng của AI buộc giáo dục phải thay đổi không chỉ về phương pháp mà còn về nội dung và mục tiêu đào tạo. “Chúng ta phải cải tổ toàn diện để giúp thế hệ trẻ có đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thời đại mới,” ông nhấn mạnh.

Điều đó không chỉ đúng với giáo dục mà còn là đòi hỏi xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống chính trị - kinh tế. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh: “Yếu tố con người là chìa khóa kết nối doanh nghiệp với nền kinh tế quốc gia. Muốn hiện thực hóa Nghị quyết 57, cần xây dựng một lực lượng nhân lực mới những con người có tư duy đột phá, năng lực đáp ứng yêu cầu hoàn toàn mới của thời đại”.

“Kỹ sư 57” - lực lượng nòng cốt kiến tạo tương lai số của quốc gia

Trong bối cảnh các mô hình phát triển đang dần chuyển sang lấy dữ liệu, công nghệ và giá trị xanh làm trung tâm, bài toán nhân lực không chỉ là vấn đề số lượng, mà cốt lõi là chất lượng và cấu trúc.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy chỉ rõ ba nhóm năng lực đang thiếu hụt nghiêm trọng: Nhân sự am hiểu sâu khoa học công nghệ; chuyên gia về các lĩnh vực mới như chuyển đổi xanh, giảm phát thải; và đặc biệt là nhóm “quản trị có nghề” những người hiểu chuyển đổi số, quản lý hiện đại, có kỹ năng tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ. “Lâu nay ta đặt gánh nặng chuyển đổi số lên vai lực lượng công nghệ thông tin, nhưng giờ mới thấy rõ, thiếu trầm trọng là những người có khả năng ‘thiết kế lại’ toàn bộ hoạt động để thích ứng với mô hình mới,” bà Thủy nêu thực tế.

GS. TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội bổ sung: “Nghị quyết 57 có thể có thời hạn, nhưng tinh thần của nó là vĩnh viễn. Mỗi người dân, mỗi đơn vị đều phải ứng dụng khoa học công nghệ để đơn giản hóa quy trình, nâng cao hiệu quả. Đó chính là chính sách công hiệu quả nhất để nâng cao giá trị xã hội và năng suất quốc gia”.

Không chỉ từ phía chuyên gia, doanh nghiệp cũng đang tiên phong hành động. Ông Nguyễn Văn Khoa - CEO FPT khẳng định: “Chúng tôi đưa các bài toán chinh phục công nghệ quốc gia đến với học sinh, sinh viên từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Các em sẽ được định hướng rõ ràng: trở thành kỹ sư điện tử, chuyên gia công nghệ sinh học, kỹ sư siêu thanh... góp phần phát triển đất nước bằng chính công nghệ”.

Chính từ triết lý đó, những chương trình như “Kỹ sư 57” đã ra đời như một sáng kiến nằm trong Liên minh nhân lực chiến lược cho thực thi Nghị quyết 57, nhằm đào tạo thế hệ nhân lực có tư duy đột phá, hội đủ năng lực AI, quản trị hiện đại, pháp lý và kỹ năng phân tích nghiệp vụ. Họ không chỉ là kỹ sư phần mềm mà còn là những “kiến trúc sư” cho các mô hình phát triển tương lai.

Ông Khoa tin tưởng rằng, nếu nhiều doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia, đến năm 2045, Việt Nam sẽ có những nhà quản trị tầm cỡ thế giới. Khi đó, “kỹ sư 57” không chỉ là một danh xưng nghề nghiệp mà là biểu tượng của khát vọng quốc gia hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và trí tuệ Việt.