Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trước nhu cầu cao về tín dụng
Theo ghi nhận từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên Đán thanh khoản trong hệ thống vẫn tiếp tục gặp áp lực và kênh thị trường mở (OMO) được NHNN sử dụng nhằm hỗ trợ hệ thống.
Cụ thể, NHNN đã bơm tổng cộng 14.390 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất 2,5%) thông qua kênh Thị trường mở (OMO). Trong khi đó, lượng bơm 8.837 tỷ đồng từ tuần trước nghỉ lễ cũng đáo hạn trong tuần này.
Như vậy, NHNN đã bơm ròng 5.553 tỷ đồng trong tuần qua, nâng lượng OMO đang lưu hành lên 15.125 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tín phiếu đang lưu hành tiếp tục đóng băng trong hơn 1,5 năm trở lại đây.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, đặc biệt từ ngày 27/1 - 9/2/2022, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần có diễn biến tăng mạnh, ở mức lần lượt là 0,9% và 1,19%, lên mức 3,32% và 3,39%/năm. Thống kê cho thấy, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã đạt mức cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây.
Sau khi đạt định trong gần 2 năm, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã điều chỉnh giảm nhẹ. Thời điểm kết thúc tuần từ ngày 7-11/2, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm về mức 3,08%/năm và 1 tuần ở 2,99%/năm.
Lý giải sức nóng trên thị trường liên ngân hàng, BVSC cho rằng: “Sự mở cửa và hồi phục của nền kinh tế và đặc biệt là nhu cầu thanh toán tăng lên khi dịp lễ Tết nguyên đán tới gần là nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường có phần căng thẳng hơn trong thời gian vừa qua”.
Về mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (huy động cho vay khu vực tổ chức kinh tế và dân cư). Tính đến cuối tháng 1/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ 0,002 điểm phần trăm, lên 5,552%/năm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lãi suất huy động có diễn biến tăng nhẹ. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ, lãi suất huy động vẫn ghi nhận mức giảm 13 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, với sức ép lạm phát có dấu hiệu nóng dần lên, trong khi các NHTƯ lớn trên thế giới cũng đang tăng lại lãi suất, BVSC cho rằng, các yếu tố này có thể sẽ tạo áp lực tăng lên lãi suất trong năm 2022 này.
Mặc dù vậy, việc chỉ số CPI vẫn có thể giữ trong tầm kiểm soát dưới 4% cùng định hướng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ giúp lãi suất của Việt Nam sẽ không chịu quá nhiều áp lực tăng trong năm nay. BVSC đánh giá: “mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25%-0,5%) trong nửa cuối năm”.
Số liệu được công bố từ NHNN cho biết, dư nợ tín dụng đã có sự bứt phá ngay từ những ngày đầu năm. Theo đó, tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm trước (tăng 16,32% so cùng kỳ năm trước; tháng 1/2021 chỉ tăng 0,53%).
“Với việc tín dụng tăng nhanh từ đầu năm cho thấy dòng vốn trong nền kinh tế đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch khá tích cực”, NHNN đánh giá.
Bên cạnh đó, với tốc độ tiêm vaccine nhanh cùng sự mở cửa của các hoạt động sản xuất kinh doanh, BVSC cho rằng đây là những yếu tố giúp cho nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ, tăng nhu cầu về vốn và kích thích tăng trưởng tín dụng trong năm 2022.
“Năm 2021, tín dụng tăng trưởng 13,53%. Trong năm nay, với chương trình hỗ trợ kinh tế hồi phục sau đại dịch, đặc biệt là gói cấp bù lãi suất trị giá 40 nghìn tỷ đồng cho 2 năm 2022-2023, tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 15% cho cả năm 2022”, BVSC đánh giá.
Thanh Thanh (T/h)