Lần đầu ghép thành công tim lợn chỉnh sửa gen vào cơ thể người

09:42, 11/01/2022

David Bennett, 57 tuổi, đã được ghép trái tim của một con lợn biến đổi gene. Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng ở Baltimore hôm 7/1, theo các bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland. Đây là ca ghép tim lợn thành công đầu tiên ở người, mang lại hy vọng cho hàng trăm nghìn bệnh nhân suy tạng.

Tờ Guardian (Anh) dẫn lời các bác sĩ tại trung tâm y tế Đại học Maryland ngày 10/1 cho biết 3 ngày sau ca phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt nhưng vẫn còn quá sớm để xác định liệu ca mổ đã thành công.

Cuộc phẫu thuật ghép tạng này được coi là nước tiến đối với băn khoăn kéo dài nhiều thập niên về việc sử dụng nội tạng động vật cho các cuộc phẫu thuật cứu tính mạng con người.

Bệnh nhân được cấy ghép quả tim lợn đã chỉnh sửa gien là ông David Bennett (57 tuổi). Con trai của ông David Bennett cho biết mặc dù không có đảm bảo rằng cuộc phẫu thuật sẽ thành công nhưng cha của anh đang trong tình trạng bệnh nặng do vậy đủ điều kiện để tham gia phẫu thuật và hiện cũng không có giải pháp nào khác.

Đến ngày 10/1, ông David Bennett đã tự thở được nhưng vẫn phải kết nối với máy tim phổi để hỗ trợ quả tim mới được cấy ghép. Những tuần tới được coi là quan trọng đối với sự phục hồi của ông Bennett và các bác sĩ đang theo dõi sát sao trái tim mới được cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân này.

Các bác sĩ trong cuộc phẫu thuật cấy ghép tim lợn chỉnh sửa gen cho bệnh nhân David Bennett ngày 7/1.

Tiến sĩ Jay Fishman, Phó giám đốc trung tâm cấy ghép tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết nội tạng lợn có thể mang lại khả năng thực hiện thao tác di truyền. Thời gian sàng lọc bệnh truyền nhiễm tốt hơn.

Trái tim được ghép cho ông Bennett là của một con lợn đã được chỉnh sửa gene 10 lần. Các nhà khoa học đã loại bỏ hoặc bất hoạt 4 đoạn gene, gồm một gene mã hóa phân tử gây phản ứng thải ghép ở người. Một gene tăng trưởng bị bất hoạt để ngăn tim lợn tiếp tục phát triển sau khi cấy ghép, tiến sĩ Mohiuddin nói.

Các chuyên gia cũng đưa 6 gene người vào bộ gene của lợn (hiến tặng) và chỉnh sửa để chúng có khả năng chống chịu tốt hơn với hệ miễn dịch của con người. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một loại thuốc mới do tiến sĩ Mohiuddin và Kiniksa Pharmaceuticals phát triển, giúp ức chế hệ thống miễn dịch, ngăn chặn sự đào thải.

Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu nội tạng hiến tặng dành cho phẫu thuật cấy ghép, điều này khiến các nhà khoa học phải cố gắng tìm cách thay thế bằng nội tạng động vật. Năm 2021, chỉ có trên 3.800 ca phẫu thuật cấy ghép tim được thực hiện tại Mỹ.

Bác sĩ Muhammad Mohiuddin tại trung tâm y tế Đại học Maryland đánh giá nếu cuộc phẫu thuật cấy ghép tim với ông Bennett thành công thì sẽ có “nguồn cung vô tận nội tạng động vật cho những bệnh nhân đang phải chịu đựng”.

Trước đây, những nỗ lực thực hiện ca phẫu thuật tương tự đã thất bại do cơ thể bệnh nhân đào thải, không tiếp nhận nội tạng động vật được cấy ghép. Nhưng các bác sĩ tại trung tâm y tế Đại học Maryland đã sử dụng biện pháp khác đó là chuyển đổi gien nhằm loại bỏ thành phần trong tế bào quả tim lợn vốn gây ra tình trạng đào thải nội tạng ghép.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã “bật đèn xanh” cho cuộc phẫu thuật này dưới hình thức cấp phép khẩn cấp khi một bệnh nhân trong tình trạng đe dọa tính mạng và không còn lựa chọn nào khác.

Chân Hoàn (T/h)