5 container xét nghiệm lưu động hỗ trợ chống dịch tại các “điểm nóng”
Ngày 30 - 6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức tiếp nhận 5 phòng xét nghiệm container ATSH BSL2 từ nhóm các nhà khoa học tại một số bệnh viện. Các phòng xét nghiệm lưu động này sẽ được chuyển đến những “điểm nóng”, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Các phòng xét nghiệm container ATSH BSL2 được thực hiện với hỗ trợ của VPBank, bởi các nhà khoa học thuộc Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Cận cảnh container xét nghiệm lưu động.
Đây là mô hình phòng xét nghiệm lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Trên thế giới, các quốc gia phát triển đã triển khai mô hình này để phục vụ cuộc chiến chống Covid-19 nhưng giá thành rất cao, lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi container.
Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng và cải tiến mô hình trên thế giới, tận dụng nguồn lực tại chỗ để đưa giá thành xuống 2 tỷ đồng/container. Dự kiến, khi được trang bị hệ thống RT-LAMP, mỗi phòng xét nghiệm container có khả năng xét nghiệm 3.600 mẫu đơn, 36.000 mẫu gộp mỗi ngày.
Container xét nghiệm di động được thiết kế theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và phù hợp với yêu cầu phòng xét nghiệm do Bộ Y tế quy định. Container được thiết kế hệ thống áp lực âm ngăn virus, hệ thống tủ an toàn sinh học để ngăn chặn vi rút lây nhiễm cho người xét nghiệm, bộ lọc HEPA để ngăn chặn sự phát tán của virus, hệ thống xử lý nước thải cũng như hệ thống cấp điện lưu động cùng hệ thống bàn ghế thí nghiệm, giá đỡ chống rung, lò hấp tiệt trùng và tủ lạnh y tế và hệ thống chuyển mẫu khép kín.
Ưu điểm của mô hình này là thuận tiện di chuyển, có thể đưa đến bất kỳ địa điểm nào trên cả nước (khu công nghiệp, vùng núi, biên giới…) để tiến hành xử lý xét nghiệm tại chỗ, giảm thiểu các nguy cơ lây lan dịch bệnh và quá tải cho các bệnh viện.
Container xét nghiệm COVID-19 lưu động tiết kiệm thời gian và đảm bảo tiêu chuẩn xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo độ chính xác, giảm chi phí so với việc xây dựng phòng thí nghiệm tại chỗ, tiết kiệm chi phí vận chuyển mẫu cũng như khấu hao khác liên quan đến việc vận chuyển mẫu từ điểm lấy mẫu đến các phòng thí nghiệm. Về lâu dài, phòng xét nghiệm di động này sẽ có thể hoạt động cho các nhu cầu khác của phòng thí nghiệm.
Kiểm tra phòng xét nghiệm container trước khi bàn giao cho Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Tiến sĩ Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực, triển khai thêm nhiều mô hình hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch, như xe vận chuyển vắc xin, trung tâm tiêm chủng lưu động…
Sau khi được bàn giao, 2 phòng xét nghiệm container đã được điều động tăng cường ngay cho tỉnh Phú Yên và thành phố Hồ Chí Minh để kịp thời hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Mỹ Linh (T/h)