Làng nghề thủ công chuyển mình trong thời đại công nghệ số

09:02, 23/02/2025

Những nghề thủ công tinh xảo từ gốm sứ, dệt lụa, đan lát đến sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ... đã gắn bó với đời sống của người dân Hà Nội từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên trong thời đại công nghệ số, để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiếp cận nhanh chóng với người tiêu dùng, các làng nghề thủ công truyền thông buộc phải thay đổi, dần chuyển mình để bắt kịp xu hướng 4.0.

Đến các làng nghề truyền thống ở Hà Nội giờ đây, chúng ta không chỉ được tham quan, mua sắm, trải nghiệm các sản phẩm mà hoàn toàn có cơ hội chứng kiến và học hỏi những người nghệ nhân, người dân ở các làng nghề bán hàng qua nền tảng số.

Bát Tràng là làng gốm truyền thống có tuổi đời gần 700 năm. Khu làng cổ Bát Tràng rộng 5,2ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ. Nơi đây cũng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: Chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, miếu Bản, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng.

Hệ thống AR/VR tại địa chỉ http://gombattrang.fairs.vn/ vừa mới ra mắt góp phần quảng bá thương hiệu gốm Bát Tràng trên môi trường số. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Hiện nay, xã Bát Tràng có hơn 11 thôn với trên 8.500 nhân khẩu và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ; có hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ đẹp, phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách tham quan, mua sắm; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương.

Bắt kịp thương mại điện tử, làng nghề Bát Tràng những năm gần đây có đã có những bước tiến xa. Ông Phạm Minh Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ, Bát Tràng một làng nghề truyền thống chuyên sản xuất đồ gốm sứ. Thực hiện các chương trình về Chuyển đổi số quốc gia cũng như nhu cầu và sự chuyển đổi của các doanh nghiệp trong thời đại số, quá trình chuyển đổi số của làng nghề Bát Tràng diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt sau dịch COCID-19. Các doanh nghiệp từng bước quảng bá thương mại trên các trang điện tử, đồng thời cũng đưa hình ảnh của doanh nghiệp, các sản phẩm liên kết các sàn thương mại điện tử.

Thông qua việc quảng bá các sản phẩm, giá trị sản phẩm của làng gốm đã được đẩy mạnh, tất cả những mặt hàng mới đều được các doanh nghiệp quảng bá. Đồng thời, việc chuyển đổi số diễn ra trong quá trình sản xuất.

"Đây cũng là một bước ngoặt mới trong quá trình sản xuất, hiện nay toàn bộ chu trình để quản lý quá trình đun đốt của lò gốm cũng đã được số hóa, có nghĩa là nghệ nhân hiện nay đã chủ động trong việc điều khiển nhiệt độ của lò đốt, theo dõi quá trình sản phẩm từ lúc đưa vào lò đến lúc ra lò ngay trên điện thoại. Do đó chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên rất nhiều trong những năm gần đây", ông Khôi nhấn mạnh.

Một gian hàng gốm Bát Tràng quảng bá trên môi trường số. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Đại diện hộ kinh doanh đã tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử thành công, anh Dương Quý cho biết, sau một thời gian kinh doanh trên các sản thương mại điện tử, không chỉ trên website mà cả trên mạng xã hội facebook, zalo. Thương hiệu gốm sứ Bát Tràng đã được hàng triệu người biết đến và đơn vị anh nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn.

Điểm đặc biệt hơn, đó là cả cộng đồng làng nghề đã thực sự đồng lòng, "vào cuộc" để quảng bá làng nghề trên môi trường số. Mới đây, Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng ra mắt tại địa chỉ http://gombattrang.fairs.vn/, góp phần quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại của làng nghề truyền thống gần 1.000 năm tuổi.

Hay như làng lụa Vạn Phúc gần đây, ngoài phục vụ khách hàng trực tiếp tham quan thì chính các hộ dân ở đây cũng đã đầu tư hệ thống livestream. Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, so với trước đây làng nghề chỉ kinh doanh truyền thống, thì hiện nay, kết hợp kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử đã mang lại sức sống mới với nhiều lợi nhuận cho người dân hơn; đồng thời cũng quảng bá được sản phẩm của làng nghề đến nhiều hơn các khách hàng.

Chia sẻ về xu hướng bán hàng của các làng nghề hiện nay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại-Đào tạo Phát triển Làng nghề Cao Bích Thủy cho biết, những năm qua, thương mại điện tử phát triển rất nhanh chóng. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua sắm sản phẩm trên các nền tảng số, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Vì vậy, việc chuyển mình trong hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nghề truyền thống là xu thế tất yếu.

Tuy nhiên, trên các kênh tiêu thụ trực tuyến thì sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề còn yếu so với sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác bởi làng nghề còn chậm đổi mới mẫu mã, thiếu tính sáng tạo, thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt…

Chình vì vậy, để ứng dụng thương mại điện tử thực sự hiệu quả, các làng nghề cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; chủ động khai thác thông tin mở rộng thị trường, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề...Đặc biệt, cần xác định thị trường mục tiêu cho sản phẩm, phương thức tốt nhất là phát triển thị trường ngách.