Thúc đẩy thương mại điện tử làng nghề

09:15, 26/07/2024

Việc ứng dụng thương mại điện tử sẽ giúp các làng nghề Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng tăng doanh thu, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh, do đó cần có những chính sách khuyến khích, cũng như hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển...

Nhiều sản phẩm gốm Bát Tràng được đưa lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: VGP/Bích Phương

Theo thống kê, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước (với 1.350 làng nghề và làng có nghề). Đặc biệt, các làng nghề Hà Nội hội tụ tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.

Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người thợ thủ công mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Ông Đặng Đình Túc, Trưởng ban đại diện làng nghề gốm sứ Giang Cao (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) cho biết, xã Bát Tràng có 195 doanh nghiệp, 960 hộ sản xuất, 750 hộ làm dịch vụ gốm sứ và du lịch, thu nhập bình quân đầu người đạt 86,54 triệu đồng/năm. 

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Bát Tràng đã tiếp thị, đăng bán sản phẩm trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Bát Tràng cũng đang hướng tới cung cấp thông tin cho khách du lịch thông qua mã QR. Qua đó, khách du lịch có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện những thao tác cần thiết như tìm kiếm thông tin các gian hàng, sản phẩm OCOP của Bát Tràng.

Trong xu thế của hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự thích ứng với sự bùng nổ của công nghệ số, nhiều hộ kinh doanh đã đầu tư xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến qua website, Facebook, fanpage, Zalo, OA và các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Shopee,…; xây dựng nhóm khách hàng thân thiết trên các ứng dụng chat trực tuyến: Zalo, Viber, Telegram…

Chia sẻ hiệu quả thực tế từ cơ sở, Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết, các cơ sở sản xuất kinh doanh ở làng nghề Vạn Phúc đã tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm. Thông qua nhóm này, các thành viên chủ động tìm được nguồn nguyên liệu sản xuất, giới thiệu các mặt hàng do chính các cơ sở sản xuất.

Với những dữ liệu trong nhóm, các cơ sở chuyên làm thương mại sẽ tập trung quảng cáo, kết nối với người mua có nhu cầu. Các hộ kinh doanh còn tận dụng các nền tảng công nghệ để tư vấn, bán hàng trực tuyến.

Với mô hình kinh doanh điện tử, các cơ sở sản xuất kinh doanh đã dần chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, vừa nhanh chóng vừa giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp.

Bên cạnh đó, làng nghề Vạn Phúc cũng tích cực đưa những sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Tất cả sản phẩm được dán tem nhãn thương hiệu "Lụa Vạn Phúc", được bảo hộ độc quyền tới người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế.

Có thể thấy, việc các làng nghề chú trọng đổi mới đầu tư công nghệ vào sản xuất, không chỉ giúp giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, mà còn giúp nâng cao sự cạnh tranh cho các sản phẩm làng nghề. Nhờ đó, các sản phẩm làng nghề truyền thống ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để hỗ trợ các làng nghề thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, trong những năm vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND thành phố Hà Nội ban hành và triển khai thực hiện nhiều Đề án, Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn như: Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019 - 2025; Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025".

Đồng thời, triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ chữ ký số, hoá đơn điện tử cho các doanh nghiệp thành lập mới; tổ chức các khoá đào tạo…

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài những chính sách hỗ trợ của Thành phố, để ứng dụng thương mại điện tử thực sự hiệu quả, các làng nghề cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; chủ động khai thác thông tin mở rộng thị trường, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề...

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/thuc-day-thuong-mai-dien-tu-lang-nghe-103240725163106744.htm)