Lạng Sơn hỗ trợ chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh

10:51, 11/04/2023

Hiện nay, Lạng Sơn đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ hợp tác xã thực hiện việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo động lực phát triển mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Lạng Sơn phát triển kinh tế hợp tác trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Tính đến 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 466 hợp tác xã đăng ký hoạt động. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 334 hợp tác xã, chiếm 71,67%, còn lại là lĩnh vực phi nông nghiệp. Tổng số vốn đăng ký hoạt động của các hợp tác xã khoảng 977 tỷ đồng, trong đó, hợp tác xã nông nghiệp 611,5 tỷ đồng, hợp tác xã phi nông nghiệp là 365,5 tỷ đồng.

Trong những năm qua, các cấp, ngành đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU, ngày 28/9/2021 về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh nằm trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; năm 2025 tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 phấn đấu 20%, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7-8%.

Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước tuyên truyền, hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, việc chuyển đổi số trong hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả bước đầu, trong đó có khoảng 20% số hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số trong một số khâu sản xuất, kinh doanh. Trong công tác quản lý, một số hợp tác xã đã sử dụng phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, kê khai thuế trực tuyến; sử dụng phần mềm quản lý và điều hành xe đối với hợp tác xã trong lĩnh vực vận tải như hợp tác xã Vận tải Đoàn Kết, thành phố Lạng Sơn. Trong sản xuất, chế biến sản phẩm đã có một số hợp tác xã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại trong sản xuất, chế biến sản phẩm, sử dụng công nghệ đóng gói tự động, tưới tiêu tự động như: hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp An Hồng, thành phố Lạng Sơn; hợp tác xã Nông sản sạch Hữu Lũng.

Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã đã tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội… Cùng với đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 50 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành và sự nỗ lực, nhạy bén của các chủ thể, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhanh chóng tiếp cận cũng như vận dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Qua đó, bắt kịp xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ngoài thị trường để lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tiếp tục có những bước phát triển, chuyển biến rõ nét hơn nữa trong thời gian tới.

Thành Nam (T/h)