Lạng Sơn: Nhiều ông lớn "đổ bộ" xin làm điện gió, xây dựng khu đô thị và công nghiệp đầu năm 2022

09:31, 10/02/2022

Năng lượng điện tái tạo, công nghiệp và nhà ở đô thị là 3 lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư lớn vào Lạng Sơn.

Công ty BayWar.e. Wind Projects Việt Nam (CHLB Đức) đã được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận việc thực hiện khảo sát, nghiên cứu, bổ sung quy hoạch 3 dự án điện gió Lộc Bình, Cao Lộc và Văn Quan từ quý III/2020 có tổng công suất 240 MW, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.

Công ty này đặt mục tiêu có thể bắt đầu xây dựng dự án vào năm 2023 và vận hành 3 nhà máy điện gió trên vào năm 2025 theo kế hoạch. Công ty này cũng cam kết "chịu mọi chi phí và rủi ro nếu dự án không được phê duyệt".

Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 (EVNPECC1) đề xuất nghiên cứu quy hoạch điện lực của tỉnh (gồm các hợp phần: quy hoạch nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo và quy hoạch lưới điện truyền tải).

Theo EVNPECC1, bản quy hoạch điện lực tỉnh Lạng Sơn đồng thời sẽ phù hợp với định hướng của Quy hoạch điện lực quốc gia và quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030 và dài hạn. Được biết, từ năm 2017 tới nay, EVNPECC1 đã tư vấn xây dựng 103 dự án nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện rác và điện sinh khối với tổng công suất lắp đặt lên tới 6.500MW).

Lạng Sơn là tỉnh có tiềm năng để phát triển điện gió.

Năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm của tỉnh so với cùng kỳ tăng 5,61%, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,02%. Cụ thể, trong sản xuất và phân phối điện, sản lượng điện sản xuất giảm 0,81% còn điện thương phẩm tăng 5,66% so với cùng kỳ.

Là doanh nghiệp có tiếng về phát triển điện gió ở Việt Nam, Tập đoàn Trung Nam cũng đề nghị được khảo sát tại Lạng Sơn để đầu tư. Tại 2 khu vực huyện Đình Lập, Lộc Bình và Văn Quan, tập đoàn này xin tỉnh Lạng Sơn chấp thuận cho phép nghiên cứu, khảo sát tiếp cận để đề xuất bổ sung quy hoạch điện lực dự án điện gió quy mô 200 MW, tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng.

Qua nghiên cứu khảo sát sơ bộ trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Đầu tư Năng lượng Europlast cũng nhận thấy khu vực xã Bắc Ái, huyện Trảng Định và xã Hoa Thám, huyện Bình Gia; xã Thụy Hùng, xã Bảo Lân và xã Thạch Dạn, huyện Cao Lộc có tiềm năng điện gió. Do đó, công ty đề nghị được khảo sát đầu tư hai dự án trên địa bàn Lạng Sơn là nhà máy điện gió Tràng Định và Cao Lộc 3.

Khu du lịch núi Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Cũng qua khảo sát và đánh giá, Tập đoàn Hà Đô xin chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát đầu tư 3 dự án nhà điện gió Bắc Lãng tại huyện Đình Lập (diện tích khoảng 2.300 ha, công suất 100 MW), điện gió Lộc Bình tại huyện Lộc Bình (4.000 ha, 100 MW) và điện gió Bình Gia tại huyện Văn Lãng (3.700 ha, 80 MW). Mức đầu tư và thời gian triển khai chưa được Hà Đô đề cập cụ thể.

Công ty CP Năng lượng An Xuân đề xuất đầu tư dự án điện gió Đình Lập 3 giá trị hơn 18.200 tỷ đồng. Với công suất 528 MW, sản lượng điện hàng năm 1.619 triệu kWh, diện tích chiếm đất khoảng 97 ha tại huyện Đình Lập, Công ty dự kiến sẽ hoàn thành dự án với cơ cấu vốn 20% tự có, còn lại là vay thương mại.

Ở lĩnh vực phát triển nhà ở, Danko Group là cái tên đầu tiên "đổ bộ" về Lạng Sơn từ tháng 1/2022. Tập đoàn này đề xuất được tài trợ kinh phí khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho 2 dự án (quy mô hơn 110ha) tại huyện Cao Lộc gồm: khu đô thị mới Cao Lộc (khoảng 26ha) và khu đô thị và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Phai Luông (khoảng 98ha).

Sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt, Danko group đề xuất được tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật.

Theo Cục thống kê tỉnh Lạng Sơn, sản xuất công nghiệp trên địa bàn cơ bản ổn định và tiếp tục phát triển. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tỉnh cho phép thành lập Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, huyện Cao Lộc; xem xét bổ sung Cụm công nghiệp Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng; Cụm công nghiệp Đình Lập vào Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn cũng hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hữu Lũng; phối hợp triển khai lập quy hoạch chi tiết, lựa chọn nhà đầu tư, thành lập Khu công nghiệp Hữu Lũng.

 

Dựa trên tiềm năng có sẵn của huyện Hữu Lũng, công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường An đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch và làm chủ đầu tư dự án 2 cụm công nghiệp (Hồ Sơn 1, Hồ Sơn 2) quy mô khoảng 150ha (tại các xã Cai Kinh, Tân Thành và Hồ Sơn thuộc huyện Hữu Lũng).

Trước đó ít lâu, cũng tại huyện Hữu Lũng, Công ty CP lương thực vật tư nông nghiệp Nghệ An đã gửi văn bản đăng ký làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Minh Sơn (khoảng 55ha, tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng).

Thiên Thanh (T/h)