Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em"
Ngay tại Lễ phát động, các doanh nghiệp lớn thuộc ngành thông tin & truyền thông, giáo dục & đào tạo, ngân hàng, các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã công bố ủng hộ 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến.
Tối 12/9, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em", kêu gọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ để học sinh có thiết bị và Internet học online.
Lễ phát động chương trình được thực hiện online tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng 63 điểm cầu tại các địa phương trên toàn quốc.
Tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay một trong những vấn đề nảy sinh khi tổ chức dạy học trực tuyến tại các địa phương là thiếu thiết bị và sóng. Điều này có thể ảnh hưởng tới công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Vì thế, chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ học sinh, đặc biệt là các em đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả.
Chương trình do Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Bộ GD&ĐT thực hiện, nhằm ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ngay tại Lễ phát động, các doanh nghiệp lớn thuộc ngành thông tin & truyền thông, giáo dục & đào tạo, ngân hàng, các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã công bố ủng hộ 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến.
Các doanh nghiệp công nghệ sẽ công bố và miễn phí 6 nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam bao gồm: VNEdu; ViettelStudy; MobiEdu; Onluyen; Hocmai, Misa EMIS; Giá trị ủng hộ lên tới 200 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, Mobifone cam kết phủ sóng 100% các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong tháng 9/2021 và trên toàn quốc trong năm 2021; tổng kinh phí triển khai lên tới gần 3.000 tỷ đồng. Miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến. Kinh phí dự kiến : 450 tỷ (thời gian trong 3 tháng).
Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số. Các nội dung chính của chương trình “Sóng và máy tính cho em” gồm: triển khai hạ tầng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến; vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai học trực tuyến.
Chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Bộ GD&ĐT thực hiện.
Phát động các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để ủng hộ, nhân rộng Chương trình trên toàn quốc, góp phần hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 10/9, Bộ GD&ĐT phối hợp Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành công văn phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em”.
Mục đích là vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến 16h ngày 12/9, cả nước có khoảng 7,35 triệu học sinh đang học trực tuyến và khoảng 1,5 triệu em chưa có máy tính để học tập.
Chân Hoàn (T/h)