Liberty Reserve rửa tiền, tên miền libertyreserve.com.vn có góp phần?

15:44, 30/05/2013

Ngày 28/5/2013, cả thế giới phải bàng hoàng với thông tin về vụ rửa tiền lớn nhất trong lịch sử mà bị cáo là công ty giao dịch tiền ảo Liberty Reserve.

Vụ rửa tiền lớn nhất trong lịch sử

Công ty bị cáo buộc tiến hành âm mưu rửa tiền cực lớn với tổng trị giá lên đến 6 tỉ USD, đồng thời điều hành mạng lưới cung cấp dịch vụ chuyển tiền trái phép.
Cáo trạng cho biết Liberty Reserve đã thực hiện ít nhất 55 triệu giao dịch chuyển tiền phi pháp cho hơn 1 triệu người, trong đó có ít nhất 200.000 người ở Mỹ. Gần như mọi giao dịch thông qua Liberty Reserve đều liên quan đến hoạt động tình nghi là tội phạm.

Mạng lưới này tính phí 1% trên mỗi giao dịch thông qua các trung gian được biết đến dưới dạng những người đổi tiền. Những người này sẽ chuyển tiền thật thành tiền ảo và sau đó chuyển lại thành tiền mặt.

Cuộc điều tra vụ rửa tiền này có lực lượng hành pháp ở 17 nước tham gia và 7 người đã bị buộc tội. Năm người trong đó bị bắt tại Tây Ban Nha, Costa Rica và New York hôm 24/5. Hai nghi phạm còn lại vẫn lẩn trốn ở Costa Rica. Những tài khoản ngân hàng, tên miền liên quan đến Liberty Reserve và các nghi phạm hiện đã bị phong tỏa. 

Việt Nam liệu có “góp phần”?

Tại Việt Nam, khá nhiều người biết đến sự tồn tại của trang web có tên miền libertyreserve.com.vn được quảng cáo để thực hiện mua bán LR và hoạt động 24/7.

Hiện tại trang web này đã đóng cửa, nhưng trước đây, khi chưa xảy ra vụ scandal rửa tiền 6 tỷ USD thì trang web này hoạt động cực kỳ rầm rộ với nhiều giao dịch mà chủ yếu là dịch vụ chuyển tiền.


Cụ thể, qua hệ thống thanh toán online Liberty Reserve, người dùng sẽ chuyển từ USD hoặc euro sang một loại tiền ảo để giao dịch trên Internet. Hệ thống Liberty Reserve gọi loại tiền này là "tiền LR". Ngay trang chủ của website này có phần hỗ trợ cho phép người dùng mua và bán tiền LR và theo giới thiệu, việc chuyển tiền sẽ được gửi qua một trong 4 ngân hàng của Việt Nam là Vietcombank, Vietinbank, Đông Á và Á Châu.

Tuy nhiên, từ nhiều nguồn tin khác nhau đã được đăng tải công khai, trang web này là một trang web chưa được cấp giấy phép hoạt động. Trên website không có địa chỉ, trụ sở làm việc cũng như những thông tin liên quan đến chủ sở hữu và giới thiệu về tôn chỉ, mục đích hoạt động của một trang web chuyển tiền thông thường. Trang web được xây dựng từ cuối năm 2012 và những tin tức do các quản trị viên bắt đầu đăng tải từ tháng 11/2012.

Sau Liberty Reserve, sẽ là Bitcoin?

Ngay sau vụ scandal của Liberty, đồng tiền ảo LR (sử dụng để giao dịch trên hệ thống toàn cầu Liberty) đã bị tẩy chay. Các loại tiền tệ ảo cũng rơi vào cảnh mất giá thê thảm. Bitcoin (BTC), một thương hiệu tiền ảo khá nổi tiếng, cũng đang bị xếp vào diện nghi vấn và đang có nguy cơ sẽ gây ra vụ scandal tiếp theo sau Liberty Reserve.


Điểm tương đồng rõ rệt nhất giữa BTC và LR là cả 2 đều là những thương hiệu mạnh – những đồng tiền ảo được sử dụng để chuyển đổi tiền tệ hợp pháp thành các điện tử.

Trước khi xảy ra vụ “lùm xùm” của Liberty, chinh quyền liên bang đã thực hiện kiểm tra toàn bộ cơ sở hạ tầng của Bitcoin vào tháng 5/2013. Kết quả của vụ kiểm tra là tài khoản của Mutum Sigillum, công ty trung gian của Mt. GOX – trụ sở giao dịch của Bitcoin tại Tokyo chiếm đến hơn 80% của thị trường đã bị đóng băng. Nguyên nhân của động thái này là do Mutum Sigillum đã không "đăng ký thực hiện các giao dịch chuyển tiền đúng theo quy định của  Bộ Tài chính".

Mặc dù không thực hiện các giao dịch một cách trắng trợn như LR, tuy nhiên, về mặt lý thuyết, rất khó để xác định ai đứng đằng sau mỗi giao dịch Bitcoin. Đó là bởi vì mỗi giao dịch Bitcoin được lưu giữ lại trong sổ cái kế toán dưới dạng một chuỗi khối bị khóa mã mà chỉ chủ nhân mới có thể mở được.

Đồng thời, khả năng để xác định người mua và người bán Bitcoins phụ thuộc vào công ty trung gian phục vụ các dịch vụ tiêu dùng và tính xác thực của thông tin đăng ký. Mà những thông tin này thì – cũng giống như trên mạng giao dịch ảo LR – là “không được kiểm soát và chỉ có 10% sự thật.”

Mặc dù cho đến thời điểm này, vẫn chưa có bằng chứng gì chứng tỏ Bitcoin được sử dụng với các mục đích bất chính hoặc rửa tiền, nhưng cả thế giới dường như vẫn nín thở để tiếp tục chờ đợi một vụ “scandal tiền ảo” thứ hai. 

Hoàng Hải
TIN LIÊN QUAN