Lợi dụng thương mại điện tử và dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng lậu
Thương mại điện tử phát triển đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ chuyển phát hàng hóa, nhất là dịch vụ chuyển phát qua bưu chính. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là các đối tượng làm ăn phi pháp đang lợi dụng để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.
Thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn hàng lậu thông qua dịch vụ bưu chính. Theo nhận định của cơ quan này, dịch vụ chuyển phát qua bưu chính đang bị các đối tượng lợi dụng như một phương thức mới cho việc kinh doanh hàng cấm, hàng lậu.
Một số kho hàng lậu khi bị kiểm tra đột xuất còn có cả xe của các đơn vị bưu chính, chuyển phát nhanh cùng nhân viên hỗ trợ, giao hàng, vận chuyển đi khắp nơi.
Theo ghi nhận tại Lào Cai, mỗi ngày từ kho hàng rộng hơn 10.000m2, có tới hàng chục nghìn các sản phẩm hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường tiêu thụ bằng cách bán online và chuyển phát nhanh.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm đếm kho hàng tại Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong.
Kiểm tra cơ sở Thuận Phong J&T Express tại Cảng ICD Mỹ Đình, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 100.000 sản phẩm hàng tiêu dùng đang chờ chuyển phát. Tất đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. 5 đơn vị ký kết với Thuận Phong để giao vận hàng hóa đều là địa chỉ không xác định được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể xử lý được chủ hàng, mà chỉ có thể tịch thu được hàng hóa.
Trung tuần tháng 9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 phối hợp với Đội 389 tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện một xe ô đang vận chuyển hàng hóa từ Bưu cục Viettel Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng đi huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe đang vận chuyển 10 loại hàng hóa, có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam, mặc dù thời điểm đó, lái xe xuất trình được hóa đơn và khi đối chiếu thực tế hàng hóa đang vận chuyển trong xe ôtô với tờ hóa đơn bán hàng, số lượng, chủng loại hàng hóa đều phù hợp, không phát hiện hàng hóa thừa so với hóa đơn hoặc hàng hóa vi phạm khác.
Tuy nhiên, xét thấy hàng hóa chưa rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm, đoàn kiểm tra đã tiến hành làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Kết quả là, Đoàn kiểm tra đã xác định hộ kinh doanh Chương Thị Hương, địa chỉ: Số 188A, đường Trục Chính, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã mua gom hàng hóa nhập lậu, lập hóa đơn xuất bán cho người mua hàng, sau đó gửi hàng qua Bưu cục Viettel Tân Thanh về huyện Bắc Sơn. Đối tượng vi phạm đã bị thu giữ số hàng hóa buôn lậu đồng thời phải nộp lai số tiền buôn lậu bất hợp pháp.
Trước đó, hồi tháng 7, Tổng cục QLTT cũng phát hiện nhiều vụ việc mà các đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính viễn thông để vận chuyển hàng lậu. Trong đó phải kể đến là vụ phát hiện hơn 100.000 sản phẩm gồm chăn ga, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng các loại có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, giả xuất xứ và các vi phạm khác.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 9 vụ việc lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng nhập lậu.
Sự phát triển nhanh chóng và thuận lợi của thương mại điện tử là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng thực tế, hàng hóa được vận chuyển qua các dịch vụ bưu chính đang được lợi dụng như một phương thức vận chuyển mới cho việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Các sản phẩm đang chờ chuyển phát tại Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Các sản phẩm từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam được rao bán trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, sau đó thường được sử dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát. Hàng được tập kết tại kho của các đơn vị này trước khi chuyển đi. Tuy nhiên, ở từng đoạn đường đi của hàng hóa lại do từng đơn vị quản lý.
Để xử lý những vụ việc hàng giả, hàng lậu lên tới con số hàng trăm nghìn sản phẩm là rất khó khăn, bởi khung pháp lý chưa rõ ràng và sự chồng chéo giữa các đơn vị với nhau. Ngoài ra, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào thống nhất và phối hợp được các đơn vị trong quản lý các loại hàng hóa được vận chuyển thông qua bưu chính, chuyển phát nhanh. Đây chính là khe hở để các đối tượng lợi dụng tiêu thụ hàng lậu, hàng giả.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ hoành hành trên thị trường truyền thống mà còn đang “lấn sân” mạnh mẽ sang sàn TMĐT. Vấn nạn này lâu nay vẫn luôn là nỗi nhức nhối của xã hội, nó khiến người tiêu dùng mất niềm tin, và gián tiếp làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, kể từ ngày 15/10/2020, khi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức… Trong đó, các hành vi vi phạm trên sàn TMĐT cũng sẽ bị xử lý mạnh tay.
Nhiều người kỳ vọng, Nghị định với sự gia tăng chế tài sẽ là “gọng kìm” siết chặt tình trạng hàng lậu, hàng giả hàng nhái… đang tác động xấu tới sản xuất trong nước.
Thùy Chi (T/h)