Luật Viễn thông sẽ điều chỉnh thêm 3 dịch vụ mới

16:06, 24/08/2023

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) vào ngày 24/8.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Theo đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới là dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông), trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.

Thường trực Uỷ ban KH, CN&MT thấy rằng, dự thảo Luật điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết vì trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ với xu hướng hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đã xuất hiện một số dịch vụ cung cấp thêm các tính năng tương tự như dịch vụ viễn thông truyền thống và các dịch vụ này cần được điều chỉnh với phương thức phù hợp. Điều này vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển.

Dịch vụ OTT viễn thông được điều chỉnh sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nhiều nước đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông.

Thường trực Uỷ ban KH, CN&MT thống nhất với quan điểm của Chính phủ trình Quốc hội về việc điều chỉnh 3 dịch vụ mới (đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chỉnh lý rõ ràng hơn thuật ngữ tại các khoản 10, 11 và 13 Điều 3, đồng thời bố cục riêng Mục 3 Chương II gồm Điều 28 và Điều 29 quy định về vấn đề này).

Về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (Điều 13, 47 và 67), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về các cơ chế, chính sách để doanh nghiệp bắt buộc phải cam kết dùng chung và chia sẻ hạ tầng; bổ sung nội dung Nhà nước quy định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và cơ chế giá thuê hạ tầng dùng chung. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung điểm b khoản 4 Điều 13 về nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông; bổ sung quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá tại khoản 5 Điều 47; bổ sung trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông tại điểm d khoản 1 Điều 67.

Về ý kiến đề nghị giao cho địa phương quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn quản lý giữa các doanh nghiệp viễn thông, Thường trực Ủy ban KH, CN&MT thấy rằng ý kiến này là hoàn toàn xác đáng. Dự thảo Luật đã bổ sung tại điểm a khoản 4 Điều 47 liên quan thẩm quyền của cơ quan chuyên môn về viễn thông thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

 

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

 

 

Tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ chế chính sách dùng chung cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo theo chương trình quốc gia về viễn thông công ích, dự thảo Luật đã chỉnh sửa điểm b khoản 3 Điều 47, đồng thời, chỉnh lý khái niệm hoạt động viễn thông công ích (khoản 1 Điều 30), quy định mục đích của Quỹ (điểm a khoản 3 Điều 32), nêu rõ địa bàn thực hiện bao gồm miền núi, biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Về thiết kế, xây dựng công trình viễn thông (Điều 65), có ý kiến đề nghị phải quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bên trong việc phối hợp về thiết kế, xây dựng công trình viễn thông; bổ sung quy định về chủ thể chủ trì xây dựng các công trình viễn thông; quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư tòa nhà chung cư. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã luật hoá một số quy định tại Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ, đồng thời chỉnh lý, bổ sung một số quy định tại Điều 65 dự thảo Luật.

Dự thảo Luật có nhiều quy định hợp lý, toàn diện hơn

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao và đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi); cho rằng dự thảo Luật đã có nhiều quy định hợp lý, toàn diện hơn, đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển ngành viễn thông, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Về việc điều chỉnh, quản lý các dịch vụ mới, bao gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, viễn thông cơ bản trên Internet, một số ý kiến nhấn mạnh, các dịch vụ này đang trong quá trình phát triển, cần có hình thức quản lý phù hợp để đảm bảo sự phát triển của các loại hình này.

Có ý kiến đề nghị ban soạn thảo quan tâm đến các nội dung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin, đồng thời thúc đẩy phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Thường trực Uỷ ban KH, CN&MT, các cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành, tổ chức hữu quan trong việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Uỷ ban KH, CN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của ĐBQH, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp cũng như các ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách sắp tới, ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Theo Báo Chính phủ

(https://baochinhphu.vn/luat-vien-thong-se-dieu-chinh-them-3-dich-vu-moi-102230824143018006.htm)