MacBook M1 về Việt Nam giá "chát" từ 29 triệu đồng, vẫn cháy hàng
Chiều 24/12, bộ đôi MacBook M1 2020 bắt đầu được bán ra chính hãng tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, tại các hệ thống bán lẻ lớn như FPT Shop, TGDĐ, MacBook Air M1 có giá niêm yết lần lượt 29 triệu đồng cho bản 256 GB và 35 triệu đồng cho bản 512 GB. MacBook Pro M1 có giá bán 35 triệu đồng và 40 triệu đồng lần lượt cho các bản 256 GB và 512 GB dung lượng bộ nhớ.
Trong khi đó, tại một số đại lý có quy mô nhỏ, sau khi trừ hết các chương trình khuyến mại, người dùng có thể mua được hai mẫu máy này với giá thấp hơn 1-2 triệu đồng. Theo đó, MacBook Air M1 và Pro M1 được chào bán với giá lần lượt từ 27 triệu đồng và 34 triệu đồng cho bản 256 GB.
Trao đổi với Pv, đại diện hệ thống FPT Shop cho biết tính đến hết ngày 23/12, đơn vị này nhận được 2.500 đơn đặt hàng. Trong đó, 60% người dùng đặt mua phiên bản MacBook Pro dung lượng 256 GB.
"Nếu iPhone là siêu phẩm trong làng smartphone thì MacBook M1 2020 được xem như siêu phẩm trong làng máy tính. Số lượng đặt hàng mẫu máy này cũng cho thấy sức hút của nó tại thị trường Việt Nam", ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng Viễn thông Di động FPT Shop nhận định.
Đặc biệt, chỉ sau 2 giờ mở bán tại FTP Shop, toàn bộ 150 máy MacBook (cả MacBook Air lẫn MacBook Pro) đều đã được bán hết, dù mức giá của sản phẩm không hề rẻ.
Bộ đôi MacBook M1 2020 được ra mắt tại sự kiện "One More Thing" của Apple diễn ra vào giữa tháng 11 vừa qua. Đây cũng là những mẫu laptop đầu tiên của công ty sử dụng con chip M1, được xây dựng dựa trên kiến trúc ARM và sản xuất trên tiến trình 5 nm.
Chip M1 là chip dành cho máy tính do chính Apple xây dựng, dựa trên kiến trúc ARM và sản xuất trên tiến trình 5nm, tương tự như chip A14 được sử dụng trên loạt iPhone 12 mới ra mắt của Apple. Tuy nhiên, thay vì thiết kế cho các thiết bị di động, chip M1 được Apple thiết kế dành cho máy tính Mac và laptop MacBook.
Sự có mặt của bộ đôi MacBook Air và Pro sử dụng chip M1 giúp người dùng tại Việt Nam có thêm tùy chọn trên phân khúc laptop cao cấp.
Chip M1 sẽ được tập trung vào hiệu suất và khả năng tiết kiệm năng lượng, giúp mang lại thời lượng pin lâu nhất từ trước đến nay cho các mẫu MacBook. Trong đó, hiệu suất của chip M1 sẽ mạnh tương tự như chip xử lý của một máy tính xách tay thông thường, nhưng mức tiêu thụ điện năng chỉ bằng 1/4. Chip M1 có 8 lõi xử lý, bao gồm 4 lõi xử lý hiệu suất cao và 4 lõi xử lý hiệu suất vừa và thấp để tiết kiệm năng lượng.
Chip M1 cũng được tích hợp vi xử lý đồ họa 8 lõi, mà Apple tự tin tuyên bố là vi xử lý đồ họa tích hợp cho hiệu suất cao nhất thế giới. Ngoài ra, chip M1 còn được tích hợp phần cứng mạng thần kinh ảo Neural Engine để xử lý các tác vụ trí tuệ nhân tạo, tương tự như trên chip A dành cho các thiết bị di động. Apple cũng cho biết laptop và máy tính Mac dùng chip M1 có thể khởi động tức thì từ chế độ sleep, tương tự như mở khóa màn hình trên iPhone và iPad, hỗ trợ tốt cho các tính năng đồ họa như xử lý file video 4K, chạy các phần mềm 3D…
MacBook Air M1 vẫn giữ được phong cách thiết kế mỏng, nhẹ đặc trưng của dòng MacBook Air, với cân nặng 1,2 kg cùng độ dày 1,6 cm. Apple cho biết MacBook Air M1 sẽ cho hiệu suất nhanh gấp 3,5 lần, khả năng xử lý đồ họa nhanh hơn gấp 5 lần so với MacBook Air dùng chip Intel trước đây và sẽ "nhanh hơn 98% các mẫu máy tính cá nhân bán ra trong năm ngoái".
MacBook Air 2020 sở hữu màn hình 13,3 inch độ phân giải 2.560 x 1.660 pixel. Chất lượng hiển thị của màn hình này tương đối tốt, màu sắc rực rỡ, độ sáng, độ tương phản cao. Trên mẫu máy này, Apple cũng loại bỏ quạt tản nhiệt nên nó có thể hoạt động hoàn toàn im lặng.
MacBook Pro M1 cũng giữ nguyên phong cách thiết kế của MacBook Pro 13 inch dùng chip Intel trước đây, với thanh TouchBar phía trên bàn phím. Thay đổi lớn nhất nằm ở bộ xử lý bên trong.
Apple cho biết MacBook Pro M1 sẽ cho hiệu suất nhanh hơn gấp 2,8 lần, khả năng xử lý đồ họa nhanh hơn gấp 5 lần thế hệ MacBook Pro 13 inch dùng chip Intel trước đó. So với MacBook Air M1, phiên bản MacBook Pro M1 vẫn được trang bị quạt tản nhiệt. Vì thế, khi sử dụng liên tục các tác vụ nặng trong thời gian dài, máy sẽ cho hiệu suất ổn định hơn.
Trải nghiệm thực tế cho thấy cả hai mẫu MacBook M1 mới mang lại hiệu suất hoạt động và thời lượng sử dụng pin tương đối tốt. Hạn chế lớn nhất hiện tại nằm ở phần mềm. Một số ứng dụng chưa được tối ưu với con chip M1 có thể gây ra tình trạng giật lag. Thêm vào đó, người dùng cũng chưa thể cài hệ điều hành Windows trên hai mẫu máy này nếu muốn sử dụng song song hai nền tảng.
Châu Anh (T/h)