Mạng xã hội mới nổi âm thầm đánh bại Temu và TikTok trên bảng xếp hạng ứng dụng

09:19, 18/07/2024

Ứng dụng truyền thông xã hội mới trông giống như ra mắt từ những năm 2000 khi không cho phép chia sẻ hình ảnh, nhưng lại thu hút sự quan tâm rất lớn từ công chúng…

Có lẽ đa số người dùng chưa từng tìm hiểu về noplace, một ứng dụng mạng xã hội mới nổi, nhưng nhiều chuyên gia nhận định rất có thể ứng dụng mới này sẽ sớm trở thành "cú nổ lớn tiếp theo".

Tech.co đưa tin, mạng xã hội noplace mới đây vừa vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng App Store Hoa Kỳ, đánh bại nhiều đối thủ nặng ký như Temu và TikTok chỉ trong thời gian ngắn.

Vậy, nền tảng truyền thông xã hội này có gì khác biệt?

SƠ LƯỢC VỀ NOPLACE 

noplace là nền tảng truyền thông xã hội nhắm thẳng đến đối tượng Gen Z, cung cấp giao diện vô cùng đơn giản nhưng tươi mới, mang lại trải nghiệm trực tuyến khá giống với thời kỳ hậu bong bóng dotcom vào đầu những năm 2000. Trên thực tế, noplace lấy cảm hứng từ nền tảng truyền thông xã hội từng làm mưa làm gió trong quá khứ – MySpace.

Mặc dù MySpace đã bị các gã khổng lồ như Facebook và Twitter lấn át trong thập kỷ qua, sự trỗi dậy nhanh chóng của noplace cho thấy vẫn còn rất nhiều người dùng hoài niệm hoặc hào hứng với cách tiếp cận đơn giản về giao diện mạng xã hội.

noplace là sáng tạo từ CEO Tiffany Zhong, nữ doanh nhân trẻ từng lọt vào danh sách '30 under 30′ của Forbes năm 2020 khi còn làm việc tại Zebra IQ, công ty marketing giúp các thương hiệu đến gần hơn với đối tượng khán giả Gen Z và Gen Y.

MẠNG XÃ HỘI ĐƠN GIẢN HOÁ MỌI TÍNH NĂNG

Thành thật mà nói, noplace mới chỉ ra mắt từ đầu tháng 7/2024, vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và còn rất “thô sơ”. Chiến lược “quay về những năm 2000” hiện tại rất được hoan nghênh khi so sánh với bộ tính năng quá phức tạp, đôi khi gây phiền nhiễu trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội hiện nay. Nhưng đối với một số người dùng, những điều có thể làm trên noplace dường như quá ít ỏi.

Trước tiên, vấn đề lớn nhất của nền tảng là không cho phép người dùng đăng tải ảnh hoặc video. Người dùng có thể thay ảnh đại diện trên trang cá nhân, nhưng không thể thêm bất kỳ hình ảnh, gif hoặc video nào vào nguồn cấp dữ liệu. Nước đi được đánh giá khá táo bạo trong thị trường mà nội dung trực quan đang chiếm ưu thế tuyệt đối. 

Không phải ngẫu nhiên mà đối thủ cạnh tranh lớn nhất nhắm đến cùng đối tượng khách hàng mục tiêu của noplace, TikTok, lại chỉ hoạt động dựa trên định dạng video ngắn. Và sự thiếu vắng tính năng chia sẻ hình ảnh có thể khiến cho ứng dụng trở nên lép vế.

Những gì người dùng có thể làm trên nền tảng là trò chuyện với bạn bè, chia sẻ về nghệ sĩ yêu thích của bản thân hay sở thích cá nhân và khoe thành tích về 10 người bạn hàng đầu (một tính năng tương tự MySpace). Người dùng cũng có thể trò chuyện với những thành viên khác mà không cần liên kết.

noplace lấy cảm hứng từ ứng dụng mạng xã hội đình đám một thời MySpace.

Mặt khác, ứng dụng được trang bị vô vàn tùy chọn giúp người dùng tạo lập hồ sơ cá nhân hoá. Nếu xem xét hầu hết đánh giá từ người dùng, ta có thể nhận thấy khá nhiều lời khen ngợi về "tính thẩm mỹ", đây cũng là một trong những điểm thu hút chính của nền tảng.

noplace phân thành nhiều hệ thống cấp độ, điểm thưởng dùng để thăng hạng thường thúc đẩy người dùng dành nhiều thời gian hơn để tương tác trên ứng dụng. Cấp độ được hiển thị công khai trong hồ sơ cá nhân. 

Cuối cùng, noplace hiện chỉ khả dụng trên các thiết bị chạy hệ điều hành iOS của Apple và chưa có sẵn cho người dùng Android. 

“KẾ NHIỆM" TIKTOK 

Nói một cách ngắn gọn, noplace không phải là “người kế nhiệm” sáng giá của TikTok. Mặc dù cả hai đều hướng tới đối tượng Gen Z thông minh, năng động, những người coi mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng thực tế lại hướng tới mục đích khác nhau. TikTok kiếm tiền dựa trên những video khoảnh khắc lan truyền, biến nhà sáng tạo nội dung thành ngôi sao, với thuật toán đề xuất hoạt động hiệu quả và mạnh mẽ.

Điểm bất ngờ là TikTok lại đóng vai trò quan trọng trong thành công của noplace tính đến ngày nay. Trong quá trình chuẩn bị ra mắt chính thức, tài khoản TikTok của thương hiệu thu hút hơn 100.000 người đăng ký và năm triệu lượt thích thông qua các nội dung video quảng cáo.

Rõ ràng, noplace không cho thấy tính viral (lan toả), nền tảng chủ yếu hoạt động dựa trên ngôn ngữ văn bản. Rất khó để một bài post trên noplace của người dùng có thể lan truyền ra ngoài nền tảng.

Mặt khác, lợi thế lớn nhất của noplace là không có bất kỳ doanh nghiệp nào đứng sau. Chính lý do này, chứ không phải tính thẩm mỹ của ứng dụng, đã mang lại cho người dùng cảm giác quay về đầu những năm 2000. Nền tảng không mở bán dịch vụ quảng cáo (ít nhất cho đến thời điểm hiện tại). Có lẽ tính năng quảng cáo sẽ sớm được chào bán trong tương lai tùy thuộc vào mức độ phổ biến của ứng dụng.

Đây cũng là dự án có quy mô khá nhỏ. Theo trang LinkedIn của thương hiệu, hiện tại chỉ có hai nhân viên làm việc tại noplace, dự đoán hành trình mở rộng quy mô đầy chông gai phía trước.

Số phận của noplace phụ thuộc vào hiệu ứng truyền miệng. Ứng dụng có thể không phải TikTok thế hệ tiếp theo, nhưng chắc chắn vẫn tạo ra không gian truyền thông xã hội “hiếm có khó tìm” trong thời đại bùng nổ công nghệ ngày nay. 

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/mang-xa-hoi-moi-noi-am-tham-danh-bai-temu-va-tiktok-tren-bang-xep-hang-ung-dung.htm