Máy bay made in Việt Nam: Điều kiện để cất cánh
14:18, 03/12/2015
Để bay thử nghiệm trực thăng tự chế, kỹ sư Bùi Hiển phải đăng ký, xin cấp phép và Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ khâu này.
Ngày 1/12, kỹ sư Bùi Hiển (ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, chiếc máy bay trực thăng thứ hai của ông đã hoàn thiện, hiện ông đang tập bay, khi đã thuần thục ông sẽ xin cấp phép bay thử nghiệm. Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam cũng hứa giúp đỡ ông làm thủ tục xin bay thử.
Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam thừa nhận đã đặt vấn đề này với ông Hiển từ lâu.
GS Cương cũng khẳng định, những người tự bỏ vốn ra để sáng tạo khoa học kỹ thuật như ông Bùi Hiển rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên vấn đề đặt ra là, nếu khi bay mà gây ra tai nạn cho người khác thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Vì thế, cần có một tổ chức đứng ra bảo lãnh cho việc bay thử nghiệm.
"Người của Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam đã vào tận nơi xem máy bay tự chế của anh Hiển và thấy nó khá tốt bởi anh Hiển là kỹ sư cơ khí, tự bỏ tiền túi ra làm. Nhưng từ thiết kế, chế tạo đến xin phép bay thử nghiệm là cả một giai đoạn. Chúng tôi đã trao đổi, tư vấn anh ấy nên đứng ra đăng ký một đề tài cấp cơ sở (cấp hội, đã có sẵn mẫu đơn - PV), đồng thời chuẩn bị một bộ tài liệu tương đối hoàn chỉnh gồm bản vẽ thiết kế, công nghệ chế tạo, cùng đầy đủ thông tin như thiết kế, chế tạo thế nào, tính năng, thông số ra sao...
Căn cứ vào đó Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam sẽ lập một hội đồng gồm các chuyên gia về lĩnh vực này xem xét chi tiết về kỹ thuật và các yếu tố khác của chiếc trực thăng, nếu đảm bảo Hội sẽ đứng ra bảo lãnh và gửi công văn cho Cục Tác chiến.
Trong trường hợp anh Hiển cứ tự bay mà không xin phép, nếu vi phạm pháp luật về quản lý vùng trời thì phải tự chịu trách nhiệm. Vấn đề quan trọng nhất khi bay thử là an toàn. Khi đứng bảo lãnh, Hội phải chịu trách nhiệm rất nặng nề, đặc biệt nếu xảy ra thiệt hại cho bên thứ ba", GS.TSKH Nguyễn Đức Cương nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam, trong quá trình kỹ sư Bùi Hiển thiết kế, chế tạo trực thăng, Hội không nhận được đề nghị giúp đỡ nào từ phía ông Hiển, tuy nhiên hiện tại Hội sẵn sàng hỗ trợ ở giai đoạn sau, đặc biệt là khâu làm thủ tục xin cấp phép bay thử nghiệm.
"Hội không có kinh phí nên anh Hiển phải tự bỏ tiền túi ra làm, Hội sẽ giúp đỡ về mặt thủ tục pháp lý".
Một khâu nữa, theo GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam có thể hỗ trợ sau này, đó là việc ứng dụng sáng chế vào đời sống.
"Sau khi máy bay bay thử thành công, để đưa vào ứng dụng là một khoảng cách xa và ở Việt Nam, đây là giai đoạn rất khó khăn. Các nhà sáng chế có thể bỏ tiền túi, chất xám để sáng tạo ra sản phẩm nhưng đến lúc ứng dụng phải bỏ ra tương đối nhiều tiền thì họ không đủ sức để làm tiếp nữa. Chưa kể, để ứng dụng được phải có cơ sở sản xuất chính quy.
Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam có quen biết một số nhà máy sửa chữa của quân chủng Phòng không - không quân, họ có nhiều kinh nghiệm về máy bay trực thăng, có thể giới thiệu cho anh Hiển sau này. Dĩ nhiên đặt vấn đề đó vào thời điểm này còn hơi sớm vì anh Hiển vẫn chưa làm đơn đăng ký đề tài. Quan trọng là phải hoàn thành thủ tục bay thử trước".