Máy tính, linh kiện điện tử chiếm đa số mặt hàng nhập khẩu nửa cuối tháng 8

10:33, 19/09/2023

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8 (16-31/8) đạt 14,97 tỷ USD, tăng 5,3%, trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 156 triệu USD.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục duy trì đà tăng liên tục trong 4 tháng trở lại đây, ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá. Dù mức tăng chưa có sự đột phá và chưa bù đắp được sự sụt giảm từ những tháng trước đó, nhưng việc tăng trưởng này cũng mang lại nhiều kỳ vọng cho những tháng cuối năm, khi nhu cầu sản phẩm, hàng hoá trên thế giới tăng trưởng trở lại.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 8 tăng so với kỳ trước đó chủ yếu ở các nhóm hàng phục vụ nhu cầu sản xuất như như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 156 triệu USD (tương ứng tăng 3,8%); vải các loại tăng 92 triệu USD (tương ứng tăng 18,6%); chất dẻo nguyên liệu tăng 67 triệu USD (tương ứng tăng 16,6%); phân bón các loại tăng 52 triệu USD (tương ứng tăng 105%),…

Tính đến hết tháng 8, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm 39,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Dự báo, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Song mức tăng trưởng sẽ khó có sự đột phá. Trong bối cảnh sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam,… trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR,…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới,…

Theo Tạp chí điện tử Tự động hóa ngày nay

(https://vnautomate.net/may-tinh-linh-kien-dien-tu-chiem-da-so-mat-hang-nhap-khau-nua-cuoi-thang-8.html)