Mở lối phát triển đào tạo đại học trực tuyến
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự ra đời của mạng internet, đem lại cho con người nhiều ứng dụng tiện ích. Trong đó, học trực tuyến trở thành một giải pháp của giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực cho xã hội. Đối với Việt Nam, đây còn là một hình thức tiến hành công nghiệp hóa giáo dục theo hướng phát triển.
Nhiều năm qua, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác dạy và học đã giúp cho người học có thể tiếp cận bài giảng và trị thức mọi lúc, mọi nơi, xóa đi những rào cản về không gian và thời gian, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người dân từ miền núi, vùng sâu, vùng xa đến hải đảo. Với nhiều nỗ lực và sự kết hợp với công nghệ thông tin, mạng internet nên hình thức học qua mạng đang ngày càng phát triển và phổ biến tại Việt Nam mang đến cho người học nguồn thông tin kiến thức đa dạng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Elliott Masie, một chuyên gia nổi tiếng trong ngành, học trực tuyến (e-learning), “việc áp dụng công nghệ để tạo ra, cung cấp, chọn lựa, quản trị, hỗ trợ và mở rộng cách học truyền thống”. Việc phát triển của Internet, với khả năng giúp học viên tiếp cận liên tục các khóa đào tạo một cách hiệu quả và tiết kiệm, đã tạo nên một giai đoạn mới cho việc học và dạy đạt đến những tầm cao mới mà chưa có công nghệ nào có thể cạnh tranh được.
Đào tạo qua mạng ngày càng có nhiều đổi mới hơn so với học truyền thống, cung cấp cho học viên sự kết hợp hài hòa giữa nhìn, nghe và sự chủ động tích cực trong hoạt động. Chính nhờ vào lợi ích đó, đào tạo qua mạng đã mang lại rất nhiều hiệu quả cho việc học tập như: thu hút được nhiều đối tượng học viên, cắt giảm được nhiều chi phí xuất bản, in ấn tài liệu. Học trực tuyến đang là một giải pháp tối ưu nhất với sự thu hút động đảo học viên về nhiều trình độ và cấp học khác nhau. Có thể vừa học vừa làm, tiếp cận kiến thức thực tế, không phải ngẫu nhiên mà học đại học trực tuyến qua mạng là ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Với hình thức học online, bài giảng của giáo viên sẽ được trình bày thông qua phương thức học tại lớp truyền thống và được ghi hình lại nhằm làm tư liệu giảng dạy một cách sinh động cho học sinh ở khắp nơi. Chính nhờ phương pháp này, học viên sẽ tiếp thu bài nhanh chóng và giờ học trở nên hấp dẫn, sinh động hơn. Bởi lẽ, theo cách giáo dục truyền thống, phần lớn học sinh biết lý thuyết trước và nhiều năm sau đó mới áp dụng những gì mình được nghe ở trường ra thực tế. Điều này không xảy ra với những ai theo học trực tuyến bởi vừa học vừa làm giúp họ ngay lập tức ứng dụng những gì vừa được biết vào công việc. Ngoài ra, đào tạo online đồng bộ còn giúp cho người học có khả năng tự kiểm soát tốc độ học của mình sao cho phù hợp với bản thân, vẫn đảm bảo được chất lượng học tập mà vẫn duy trì được công việc hiện tại.
Christiansen là cựu thành viên hội đồng quản trị của Đại học Nam New Hampshire, một trong những trường đại học trực tuyến lớn nhất ở Mỹ. "Khi chất lượng công nghệ cải thiện, các khóa học trực tuyến sẽ thu hút những sinh viên trước đây không có cơ hội học đại học truyền thống, hoặc cần giáo dục bổ sung trong sự nghiệp giữa chừng", Christiansen nói.
Hầu hết các sinh viên đều thấy rằng chi phí để có được một tấm bằng trực tuyến rẻ hơn nhiều so với cách học truyền thống. Một số chương trình cấp bằng trực tuyến sẽ ít hơn về mặt học phí theo tiêu chuẩn, và so với học tại một trường truyền thống, chi phí liên quan thấp hơn nhiều. Các tài liệu trong khóa học, có một lượng lớn tài nguyên học tập trực tuyến có sẵn trên internet. Sách điện tử, tạp chí, các bài nghiên cứu... có thể dễ dàng tìm kiếm, giúp bổ sung cho việc học của sinh viên.
Bên cạnh đó, bằng cấp từ chương trình đại học trực tuyến nhận được sự ghi nhận ngày càng cao của xã hội nhờ nhiều trường đại học nổi tiếng cũng tham gia vào hình thức giáo dục này. Vì vậy người học có thể hoàn toàn tự tin với tấm bằng đại học trực tuyến của mình rất có giá trị. Điển hình như chương trình đào tạo đại học từ xa E-learning của Viện Đại học Mở Hà Nội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và bằng được công nhận trên toàn quốc.
Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội chia sẻ, trong mô hình đào tạo từ xa của trường, người học được tiếp cận kiến thức, ngành học theo nhu cầu cá nhân. Chưa bao giờ, việc tiếp cận với giáo dục đại chúng lại thuận lợi đến vậy. Hiện nay, với năng lực xây dựng nội dung và cung cấp hạ tầng, Trường đã có gần 15.000 sinh viên theo học đại học hệ đào trực tuyến và con số này tăng đều đặn trong 5 năm gần đây.
Để tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong giáo dục mở đào tạo trực tuyến, đội ngũ quản lý và chuyên gia của trường đã cùng các trường đại học châu Á nghiên cứu tham mưu chính sách cho chính phủ các nước phương pháp hiện đại trong giáo dục mở, các giải pháp công nghệ và xây dựng nội dung của tài nguyên giáo dục mở thông qua các website chung dạy ngôn ngữ bản địa các quốc gia Đông – Nam Á trong nhóm OU5, các khóa học MOOCs,…
Các nhà lãnh đạo cấp cao về đào tạo giáo dục ở Việt Nam khẳng định rằng giáo dục chính là một trong những ngành được hưởng nguồn đầu tư cao nhất và là một ngành có sự ưu tiên lớn nhất trong phát triển đất nước. Do đó, trong thời gian tới, giáo dục đại học trực tuyến cần được chú trọng hơn nữa để hiện thực hóa sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người” trong điều kiện cuộc CMCN 4.0.
Duy Hợi