"Mò" lối thoát cho thu phí tự động không dừng

16:06, 08/06/2020

Quyết định 07 sửa đổi đang được hoàn thiện sẽ là “cứu cánh” tháo gỡ các vướng mắc hiện tại, thúc tiến độ dự án thu phí không dừng (ETC), mục tiêu hoàn thành cuối 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ GTVT đã trình dự thảo Quyết định 07/2017/QĐ-TTg về thu phí tự động không dừng điều chỉnh lên Thủ tướng Chính phủ.

Chúng tôi đang rất kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành quyết định thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ - TTg ngày 27/3/2017 về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng trong tháng 6/2020. Đây là cơ sở pháp lý mới, giúp sửa lỗi và đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc”, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chia sẻ.

Theo ông Thành, tại cuộc họp mới nhất về sửa đổi những bất cập trong Quyết định 07 do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, hầu hết ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành đều đồng thuận rất cao với đề xuất của Bộ GTVT.

Hiện tại, dự án ETC giai đoạn 1 do Công ty VETC triển khai (BOO1) có tổng 44 trạm thu phí, với 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Đến nay, Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) đã hoàn thành lắp đặt và vận hành 36/44 trạm.

Với 4 trạm thuộc các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, nguyên nhân do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị tại trạm (hiệp định vay vốn đã hết hạn), đặc biệt là việc điều chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khiến dự án lỗi hẹn về đích vào cuối 2019.

Để giải quyết nút thắt lớn nhất này, theo Thứ trưởng Thọ, Bộ đã nhiều lần làm việc với VEC để tìm giải pháp. Tuy nhiên, do VEC là doanh nghiệp nhà nước nên các vấn đề này sẽ phải có cơ chế đặc biệt, Bộ GTVT và VEC đang nghiên cứu để trình cơ chế xin các cấp có thẩm quyền.

Với dự án BOO1, theo Công ty VETC, hiện việc đàm phán, ký kết hợp đồng dịch vụ với các nhà đầu tư BOT đạt 17/44 trạm thu phí và đang được xúc tiến rốt ráo với các trạm còn lại. Việc tổ chức đàm phán hợp đồng dịch vụ còn lại đang được Tổng cục đường bộ Việt Nam là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo và tham gia cùng với nhà đầu tư BOO và BOT.

Vướng mắc còn lại chủ yếu tại dự án giai đoạn 2 (BOO2) do khó khăn về lập doanh nghiệp dự án. Trước đó, Bộ GTVT đã đấu thầu và lựa chọn liên danh nhà đầu tư do Viettel đứng đầu, tuy nhiên, việc lập doanh nghiệp gặp vướng mắc về mặt thủ tục. Hiện, liên danh nhà đầu tư đã thống nhất xong tỷ lệ góp vốn, đồng thời Thủ tướng cũng đã điều chỉnh quyết định 18, cho phép Viettel được đầu tư vào dự án thu phí không dừng.

Tiến độ thực hiện thu phí tự động không dừng được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong thời gian tới.

Gỡ mắc nhà đầu tư BOT và ETC

Trên thực tế, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng tới tiến độ của dự án ETC là việc nhà đầu tư BOT và ETC không tìm được tiếng nói chung và mức trích lập doanh thu cũng như quản lý công tác tổ chức thu phí cùng với đó là sự sụt giảm doanh thu của các trạm thu phí BOT.

Theo Quyết định 07 hiện tại, nhà đầu tư BOT phải bàn giao công tác tổ chức thu phí tại trạm cho nhà đầu tư dự án thu phí không dừng quản lý vận hành thu phí. Nhà đầu tư BOO chỉ thực hiện công tác tổ chức thu phí, các tài sản do nhà đầu tư BOT đầu tư vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư BOT. Vì thế, Bộ GTVT đã đề xuất cho phép nhà đầu tư dự án BOT và đơn vị ETC thỏa thuận đơn vị quản lý trạm thu phí thông qua hợp đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, trong Quyết định 07 sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp ở mỗi chiều lưu thông, cho phép các xe chưa kịp dán thẻ hay nạp tiền lưu thông.

Nếu Quyết định 07 sớm được Thủ tướng ban hành thì cơ bản, những vướng mắc thu phí không dừng sẽ được tháo gỡ. Dự kiến trong tháng 6, chúng tôi sẽ hoàn thành việc đàm phán với tất cả các nhà đầu tư để lắp đặt hệ thống ETC giai đoạn 2”, ông Thọ nói, và cho biết thêm, trong 2 tháng tới, nhà đầu tư ETC sẽ tập trung hoàn thành làn ETC ở các trạm cửa ngõ thủ đô Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Ninh. Riêng trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, từ 10/6 sẽ chính thức thu phí tự động không dừng.

Trước đó, phương án trích lập phần trăm doanh thu trên làn thu phí không dừng đã đẩy đơn vị ETC vào thế khó, thu không đủ bù chi. Thế nhưng, theo ông Thọ, bản chất dự án ETC là một bộ phận của BOT, gắn liền với dự án BOT cả về doanh thu.

Nếu doanh thu dự án BOT đảm bảo thì không vấn đề gì, nhưng nếu doanh thu thu phí hụt thì phải có cơ chế chia sẻ cho nhà đầu tư BOT cũng như đảm bảo quyền lợi cho đơn vị cung cấp ETC. Chúng tôi đã tính toán phương án khả thi nhất nếu nguồn thu bị hụt có thể kéo giãn thời gian thu phí thêm vài tháng”, ông Thọ cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Thọ, mục tiêu Bộ GTVT đặt ra vẫn là phấn đấu sẽ hoàn thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng là cuối năm 2020 lắp đặt làn ETC trên các trạm thu phí cả nước. Trường hợp một số trạm đã lắp đặt nhưng đang vận hành thử hoặc chưa kịp vận hành có thể kéo dài thêm sang đầu 2021.

Một điểm đáng chú ý khác trong dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định số 07 là, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất cho phép doanh nghiệp dự án BOT đường bộ được tự đầu tư xây dựng, lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí để kết nối với trung tâm dữ liệu của nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng trên cơ sở sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động.

Đề xuất này là rất quan trọng khi vừa gia tăng sự chủ động của nhà đầu tư BOT, nhưng vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí mà loại bỏ được những xung đột gay gắt giữa nhà đầu tư BOT đường bộ và nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hội Các nhà đầu tư đường bộ Việt Nam đánh giá.

Được biết, Quyết định số 07 quy định, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng đầu tư và vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, yêu cầu nhà đầu tư BOT bàn giao trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ. Trong quá trình triển khai Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn I (BOO1), nhiều nhà đầu tư BOT cho rằng, họ có đủ tiềm lực tài chính và công nghệ để tự thiết lập hệ thống thu phí tự động, sau đó kết nối với hệ thống back-end của nhà cung cấp đáp ứng yêu cầu công khai minh bạch và đảm bảo tính liên thông.

Nhiều nhà đầu tư BOT cho rằng, quyền thu phí và trạm thu phí là tài sản của họ đã được thế chấp tại ngân hàng cho vay vốn nên không thể bàn giao cho nhà cung cấp dịch vụ. Đây là vướng mắc khiến nhiều dự án BOT không tìm được tiếng nói chung giữa nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp trong suốt thời gian vừa qua”, ông Chủng cho biết.

Minh Thùy (T/h)