MoMo gọi vốn thành công vòng series D từ các nhà đầu tư thế giới
Với việc gọi vốn thành công vòng Series D từ các nhà đầu tư ngoại, Momo hướng tới việc trở thành một "con đại bàng" để có thể bay cao, bay xa hơn chứ không phải "kỳ lân".
Ngày 13/1, CTCP dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) vừa tổ chức lễ công bố gọi vốn vòng Series D. M_Service được biết đến là công ty sở hữu thương hiệu ví điện tử Momo tại Việt Nam.
Đầu tư vào Momo vòng này bao gồm cả các nhà đầu tư hiện hữu (Warburg Pincus, Affirma Capital, Tybourne Capital Management) và các nhà đầu tư mới (Goodwater Capital, Kora Management, Macquaire Capital).
Trong nhóm các nhà đầu tư mới, Goodwater Capital là quỹ đầu tư có trụ sở tại thung lũng Silicon Valley, đã đầu tư vào nhiều công ty thuộc lĩnh vực Fintech trước đó như Stash, Monzo, Viva Republica,....
Kora Management chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp internet và dịch vụ tài chính tại nhiều khu vực, bao gồm Đông Nam Á; còn Macquarie Capital là một nhánh nhỏ của Macquarie Capital Principal Finance - đơn vị đã đầu tư hơn 36 tỷ USD cho 700 công ty trên toàn cầu.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch Điều hành và Đồng Tổng Giám đốc Momo
Tại buổi lễ, ông Phạm Thành Đức - Tổng Giám đốc MoMo tiết lộ đã lên kế hoạch gọi vốn vòng series D từ 12 tháng trước. Tuy nhiên, diễn biến của đại dịch Covid-19 đã khiến hành trình kêu gọi vốn không được diễn ra như binh thường khi ban lãnh đạo không thể sang nước ngoài gặp gỡ nhà đầu tư, nhà đầu tư cũng đến Việt Nam.
Cũng vì hoàn cảnh mới mà lần đầu tiên, MoMo gọi vốn mà không cần tiếp đón ai, không cần ra nước ngoài, tất cả đều làm việc và trao đổi từ xa.
Theo đó, số vốn huy động sẽ được dùng để xây dựng nền tảng Siêu ứng dụng mới, nâng cấp hệ sinh thái Momo. Ngoài ra, công ty còn cho ra mắt "Quỹ đổi mới sáng tạo Momo". Đây là một quỹ chuyên hộ trỡ các startup thông qua việc kết nối với hệ sinh thái Momo.
"2020 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, nhưng Momo cũng đã vượt qua khi tăng trưởng gấp hơn hai lần về lượng người dùng", ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch Điều hành và Đồng Tổng Giám đốc Momo chia sẻ.
Momo cũng đưa ra tầm nhìn trong 5 năm tới gồm: Tạo hạ tầng kết nối số, đưa mọi khía cạnh của Việt Nam (sức khỏe, giáo dục, giải trí...) lên nền tảng số và xây dựng hệ sinh thái số thông qua các nền tảng số khác bằng cách thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo.
3 cổ đông hiện hữu và 3 nhà đầu tư mới rót vốn vào Momo
Ông Tường cũng chia sẻ hai thách thức lớn nhất trong quá trình gọi vốn: Cần phải có giấc mơ, tầm nhìn đủ lớn và niềm tin. Thậm chí trong quá khứ, các nhà sáng lập Momo còn từng "tạm ứng niềm tin với các nhà đầu tư.
Khi được hỏi khi nào Momo trở thành một kỳ lân, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Momo cho rằng công ty không quan tâm tới việc có thành một unicorn-kỳ lân hay không.
"Thay vì mong muốn trở thành một kỳ lân, chúng tôi muốn Momo trở thành một con đại bàng, có thể bay cao, bay xa hơn", ông Diệp nói.
2020 dù là một năm khó khăn đối với nền kinh tế nhưng MoMo vẫn ghi nhận sự tăng trưởng hơn 2 lần về người dùng, từ 10 triệu lên 23 triệu, đồng thời tổng giá trị giao dịch trên ứng dụng cũng tăng gấp 5 lần, chạm mức 14 tỷ USD. Ví điện tử này cũng xây dựng được nền tảng quyên góp lớn nhất tại Việt Nam với hơn 5 triệu thành viên, gây được 22 tỷ đồng gíúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Momo kì vọng trong hai năm tới sẽ chạm mốc 50 triệu khách hàng.
Có mặt tại sự kiện, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng MoMo sẽ trở thành kỳ lân thứ 3 của đất nước.
Minh Thùy