Lâu nay, người có nhu cầu đi bằng phương tiện máy bay, mỗi lần cần mua vé vẫn phải nhờ cậy người quen hoặc tìm tới các đại lý bán vé máy bay ở trung tâm tỉnh, thành phố. Việc này càng vất vả hơn nếu họ ở vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng “bức tranh” ấy nay đã khác hẳn. Họ chỉ cần đến điểm giao dịch Bưu điện gần nhất,…
Bất cứ ai từng ra Bắc, vào Nam bằng nhiều loại phương tiện chắc chắn đều thấy rõ: mua cho được tấm vé là công việc đầu tiên và gian nan nhất. Mua vé máy bay, nhất là người cần đi ở các tỉnh lại càng vất vả. Mua vé xe lửa cũng “nhọc” không kém, mặc dù gần đây đã có nhiều cải tổ. Rồi đi lại bằng xe khách cũng thế. Người đi phải ra bến xe (hoặc điểm bán vé của hãng xe) để mua cho được tấm vé nếu không muốn bị bắt chẹt. Nói chung, mua vé để đi lại từ phương tiện cao cấp nhất là máy bay, kế đến là xe lửa và bình dân là xe khách đều vất vả.
Từ sự năng động… chuyển sang đột phá
Ngay sau khi chia tách bưu chính, viễn thông, nhiều Bưu điện địa phương đã tiến hành việc hợp đồng làm đại lý bán sản phẩm, dịch vụ hoặc thu hộ cho các doanh nghiệp khác nhằm tăng nguồn thu. Một trong số đó là làm đại lý bán vé máy bay cho hãng hàng không Vietnam Airlines hoặc Jetstar Pacific Airlines, hoặc cho cả hai. Chính sự năng động này đã tạo tiền đề cho việc mở rộng mạng lưới bán vé máy bay của các hãng hàng không tại các bưu cục giao dịch Bưu điện trên phạm vi cả nước. Bảng hiệu Đại lý bán vé máy bay được treo trang trọng ngay tiền sảnh
Bưu cục giao dịch quốc tế Sài Gòn.
Quả vậy, tháng 3/2010, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) đã xúc tiến việc triển khai dịch vụ bán vé máy bay cho 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines trên toàn quốc. Trong giai đoạn đầu, dịch vụ bán vé máy bay được cung cấp tại 31 bưu cục cấp I của 31 Bưu điện tỉnh, thành phố có kinh tế xã hội phát triển, có đường bay của hãng hàng không. Sau đó sẽ được mở rộng ra các bưu cục cấp I của các Bưu điện tỉnh, thành phố còn lại, kể cả các bưu cục cấp 2, cấp 3 trên mạng.
Ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng Giám đốc VNPost và ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Bim Group ký kết thoả thuận hợp tác (ảnh từ Website của VNPost).
Rồi ngày 8/4/2011, VNPost tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group). Theo đó, VNPost sẽ phân phối vé máy bay điện tử cho hãng hàng không Air Mekong, thuộc BIM Group qua mạng lưới bưu cục và điểm phục vụ của mình theo hình thức đại lý bán vé, bao gồm cả việc cung cấp dịch vụ thanh toán tiền đặt vé điện tử tại bưu cục.
Từ đây, thay vì phải tìm đến các đại lý, phòng vé ở trung tâm tỉnh, thành phố, người có nhu cầu bay chỉ cần đến điểm giao dịch Bưu điện gần nhất tại 64 tỉnh, thành là có thể mua được vé máy bay. Sự kết hợp này không chỉ giúp người có nhu cầu tiết kiệm được tiền bạc, thời gian lẫn công sức mà còn giảm đáng kể chi phí cho toàn xã hội. Cùng với đó, hình thức bán vé tại các bưu cục còn nâng tầm thương hiệu cho cả hai phía và giúp cho các hãng hàng không đưa sản phẩm của mình đến với cộng đồng.
Đến tấm vé “VIP” nay dễ như mua rau
Sự kết hợp giữa các hãng hàng không với VNPost trong việc bán vé máy bay quả là một “cuộc cách mạng” lớn. Thật giản tiện, chỉ cần đến bất cứ điểm giao dịch Bưu điện nào là bạn đã mua được vé. Dù hơi khập khiễng, nhưng có thể ví việc mua vé máy bay tại Bưu điện giờ đây chẳng khác gì việc đi chợ mua rau. Bởi hầu hết các khu vực chợ đều có điểm giao dịch Bưu điện, chưa tính đến những điểm giao dịch khác hiện diện ở khắp nơi.
Ví như tại Tp.HCM, Bưu điện thành phố đang mở 22 Bưu cục thực hiện xuất vé máy bay trực tiếp cho khách hàng. Tới đây, các bưu cục thực hiện xuất vé máy bay trực tiếp sẽ dần được mở rộng. Dù vậy, hiện bạn vẫn có thể đến bất kỳ điểm giao dịch nào của Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh để mua vé máy bay và sẽ được đáp ứng. Thậm chí bạn có thể gọi vào số điện thoại hotline 08. 39 365 365 để đặt mua và được giao vé tận nơi. Thủ tục mua rất đơn giản. Bạn cứ tới bưu cục giao dịch của Bưu điện sẽ được hướng dẫn tận tình. Dĩ nhiên khi mua vé, bạn phải mang giấy tờ tùy thân của chính người đi.
Có hai hình thức mua vé máy bay. Một là, trực tiếp mua và nhận ngay vé tại quầy giao dịch Bưu điện và hai là, được cấp mã code đối với những người đặt vé online trên website của hãng hàng không. Với hình thức đặt vé online (của hãng Jetstar Pacific Airlines), khi người mua vé có mã code của Jetstar Pacific Airlines có thể đến bưu cục gần nhất để nộp tiền. Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện việc thu hộ tiền vé máy bay cho hãng Jetstar Pacific Airlines, còn với các hãng hàng không khác đều bán và xuất vé trực tiếp. Cần biết một yếu tố quan trọng, đó là giá vé bạn mua tại Bưu điện là giá của hãng. Người mua vé không phải chịu phí dịch vụ, trong khi mua tại các đại lý thường phát sinh thêm khoản phí này.
Dễ mua, không mất phí dịch vụ và quan trọng hơn, đó là tiết kiệm được thời gian, công sức cho người có nhu cầu là những điều cốt lõi mà các điểm giao dịch Bưu điện tham gia bán vé máy bay mang lại cho xã hội trong đời sống hiện đại.
Bài và ảnh: Thanh Trà