Mục tiêu đến năm 2025, chuyển đổi toàn bộ Internet Việt Nam sang IPv6

09:11, 29/03/2023

Sáng 28/3, tại Hà Nội, Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước (IPv6 For Gov) và triển khai thực hiện mục tiêu giai đoạn 2.

Trước đó, ngày 14/01/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã chính thức ban hành Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025, giao Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chủ trì thực hiện.

Chương trình IPv6 For Gov có hai giai đoạn: 

- Giai đoạn 1 (2021-2022) với mục tiêu chính: 50% Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch IPv6 và chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử (TTĐT), dịch vụ công (DVC); 

- Giai đoạn 2 (2023-2025) với mục tiêu chính: 100% Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch IPv6 và chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng TTĐT, dịch vụ công. Bên cạnh đó, trong suốt giai đoạn vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiên phong, đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương xúc tiến, hỗ trợ và đảm bảo cho việc thực hiện thành công toàn bộ quá trình chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ CNTT của cơ quan nhà nước (CQNN) .

Thứ trưởng Bộ TTTTT Phạm Đức Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Internet Việt Nam đã tiên phong, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương xúc tiến, hỗ trợ và đảm bảo cho việc thực hiện thành công toàn bộ quá trình chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước.

Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, tính đến tháng 12/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 53%, thứ 10 toàn cầu với hơn 65 triệu thuê bao IPv6.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, giai đoạn 1 (2021-2022) của Chương trình IPv6 For Gov đã đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Kết quả là 94% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6. Kết quả này đã vượt 88% so với mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 1.

Đến nay, 78% bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công. Hơn 1.300 cán bộ, chuyên gia đã được đào tạo về IPv6. Con số này gấp 2,6 lần mục tiêu đào tạo trong 5 năm.

“Kết quả giai đoạn 1 là sự nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành địa phương trong việc chuyển đổi giao thức mạng Internet Việt Nam từ IPv4 sang IPv6. Đây là tiền đề quan trọng để bước vào giai đoạn 2 của Chương trình," ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

Trong giai đoạn 2023-2025, Chương trình IPv6 For Gov sẽ tập trung và hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho Trung tâm dữ liệu, mạng WAN, các phần mềm, ứng dụng; triển khai thí điểm hoạt động thuần IPv6 (IPv6 only) cho một số khu vực, dịch vụ. Mục tiêu hướng tới 100% Bộ, ngành, địa phương chuyển đổi IPv6 thành công cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT và sẵn sàng triển khai IPv6 only.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp viễn thông đều cho rằng cần phải thực hiện chuyển đổi hạ tầng từ IPv4 sang IPv6. Trong thời gian tới cần tập trung chuyển đổi IPv6 ngay tại các cơ quan báo chí (hiện chủ yếu vẫn sử dụng hệ thống IPv4), hạn chế nhập các thiết bị IPv4, và cần thực hiện công tác truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về chuyển đổi IPv6. Đồng thời, cũng thống nhất triển khai để hoàn thành mục tiêu IPv6 quốc gia (2023-2025).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện chuyển đổi; đồng thời giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đi đầu, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương chuyển đổi hạ tầng, dịch vụ, có lộ trình chuyển đổi cụ thể.

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ và giám sát quá trình chuyển đổi, xây dựng kế hoạch, tham mưu tư vấn lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về các vấn đề chính sách nhằm hoàn thành chuyển đổi IPv6, giúp Việt Nam duy trì mức tăng thứ hạng chuyển đổi quốc gia.

Tại hội nghị, đại diện doanh nghiệp viễn thông đều thống nhất việc thực hiện chuyển đổi hạ tầng từ Ipv4 sang IPv6 là cần thiết. Thời gian tới, cần tập trung chuyển đổi IPv6 ngay tại các cơ quan báo chí (hiện chủ yếu vẫn sử dụng hệ thống IPv4), hạn chế nhập các thiết bị IPv4 và cần thực hiện công tác truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về chuyển đổi IPv6.

Chân Hoàn (T/h)