Mỹ sẽ chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm thành cơ sở năng lượng mặt trời và pin lưu trữ
Hệ thống lưu trữ pin giúp nhà máy điện sẵn sàng kết nối với lưới điện và có thể tận dụng năng lượng lưu trữ trong các giai đoạn nhu cầu tăng cao.
Ngoài việc chuyển đổi, nhà máy điện này còn được nâng cấp công suất lên 600 MW.
Một khoản tài trợ trị giá 1,4 tỷ USD từ Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than nâu tại Hạt Atascosa, Texas, thành cơ sở sản xuất điện từ năng lượng mặt trời kết hợp pin lưu trữ. Khoản tài trợ liên bang này sẽ giúp các nhà máy điện gây ô nhiễm nhất ở Texas chuyển đổi thành nguồn năng lượng sạch trong tương lai gần, đồng thời giữ được việc làm cho lao động địa phương.
Chuyển đổi năng lượng để đối phó biến đổi khí hậu
Với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt qua các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu, các quốc gia đang gấp rút chuyển đổi từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Các nhà máy điện gió và mặt trời đang được xây dựng ở quy mô chưa từng có để giúp các quốc gia duy trì hoạt động kinh tế bằng năng lượng sạch.
Trong khi các nhà máy điện gió chủ yếu được xây dựng ngoài khơi, việc triển khai các cơ sở năng lượng mặt trời quy mô lớn lại gặp thách thức do nguồn đất hạn chế. Khi nguồn phát điện thay đổi, cơ sở hạ tầng cũ cũng phải được tái sử dụng. Nhà máy điện tại Hạt Atascosa là một ví dụ điển hình về cách một cơ sở phát điện có thể giữ nguyên mục đích ban đầu trong khi hoàn toàn chuyển đổi từ nguồn năng lượng gây ô nhiễm sang năng lượng sạch.
Mức độ gây ô nhiễm của nhà máy
Cơ sở này do Công ty Hợp tác Điện lực San Miguel (SMECI) vận hành, nằm tại thị trấn Christine, phía nam San Antonio và hiện phục vụ 340.000 khách hàng tại khoảng 47 quận ở Texas. Từ năm 1982, nhà máy sử dụng than nâu khai thác tại chỗ và là một trong 14 nhà máy gây ô nhiễm nhất ở Texas.
Hai hồ chứa tro than tại đây thẩm thấu vào mạch nước ngầm địa phương. Theo một báo cáo công bố năm 2022, dữ liệu giám sát cho thấy mức độ arsenic, beryllium, cadmium, lithium và selenium vượt nhiều lần giới hạn ô nhiễm tối đa (MCL).
Địa điểm này cũng là nguồn gây ô nhiễm thủy ngân lớn thứ tư tại Mỹ, thải ra lượng thủy ngân gấp 12 lần mức cho phép theo quy định mới của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA). Mức cobalt trong nước ngầm vượt 360 lần so với tiêu chuẩn bảo vệ tại Mỹ.
Đây là những mối lo ngại lớn đối với cư dân trong khu vực, và việc chuyển đổi nguồn năng lượng có thể trở thành bước ngoặt trong việc giải quyết các vấn đề này.
Khoản tài trợ 1,4 tỷ USD
Vào tháng 9 năm nay, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA đã chọn SMECI là một trong 10 ứng cử viên cuối cùng cho khoản tài trợ “Empowering Rural America” (ERA) nhằm hỗ trợ các sáng kiến năng lượng sạch tại vùng nông thôn Mỹ trong khuôn khổ Đạo luật Giảm lạm phát.
Số tiền tài trợ sẽ được sử dụng để xây dựng một nhà máy điện mặt trời và tăng tổng công suất phát điện lên 600 MW, từ mức 410 MW hiện tại. Do năng lượng mặt trời là nguồn gián đoạn, một hệ thống lưu trữ bằng pin công suất 200 MW cũng sẽ được bổ sung để duy trì nguồn điện trong các giai đoạn cao điểm và thấp điểm.
Hệ thống lưu trữ pin giúp nhà máy điện sẵn sàng kết nối với lưới điện và có thể tận dụng năng lượng lưu trữ trong các giai đoạn nhu cầu tăng cao.
Các hợp đồng cung cấp điện hiện tại của SMEC kéo dài đến năm 2037 nhưng có thể chuyển từ nguồn điện than nâu sang điện mặt trời sớm nhất vào năm 2027. Điều này có thể giúp ngăn chặn 1,8 triệu tấn khí thải, tương đương với việc loại bỏ 446.000 xe ô tô khỏi đường.