Mỹ và Anh từ chối ký văn kiện chung tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI

10:52, 12/02/2025

Mỹ và Anh đã từ chối ký tuyên bố về trí tuệ nhân tạo (AI) tại hội nghị thượng đỉnh tại Paris…

Văn kiện này kêu gọi tiến tới phát triển AI "cởi mở, toàn diện, minh bạch, có đạo đức, an toàn, bảo mật và đáng tin cậy", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống AI bền vững, đã nhận được sự ủng hộ từ 60 quốc gia, bao gồm Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Canada.  

Phó Thủ tướng Trung Quốc Zhang Guoqing phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác để bảo vệ an ninh và chia sẻ những thành tựu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để xây dựng "một cộng đồng tương lai chung cho nhân loại".

Trong khi đó, chính phủ Anh cho rằng tuyên bố chưa đủ mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề quản trị toàn cầu và an ninh quốc gia liên quan đến AI. 

Một phát ngôn viên nhấn mạnh: "Chúng tôi đồng ý với phần lớn nội dung của tuyên bố và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế. Điều này thể hiện qua việc chúng tôi ký kết các thỏa thuận về tính bền vững và an ninh mạng tại hội nghị thượng đỉnh Paris AI Action. Tuy nhiên, tuyên bố này thiếu thực tế về quản trị toàn cầu và chưa giải quyết triệt để các thách thức đối với an ninh quốc gia". 

Mỹ và Anh từ chối ký văn kiện chung hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI

Theo các hãng tin, lời từ chối ký kết của Anh diễn ra ngay sau khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance trên sân khấu tại Grand Palais đã chỉ trích các quy định công nghệ nghiêm ngặt của châu Âu. 

"Chính quyền Trump sẽ đảm bảo rằng các hệ thống AI mạnh mẽ nhất được xây dựng tại Mỹ, với các con chip do Hoa Kỳ thiết kế và sản xuất", Phó Tổng thống Mỹ JD Vance thẳng thắn tuyên bố với các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng hàng loạt các giám đốc điều hành công nghệ.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. 

"Mỹ muốn hợp tác với tất cả các nước, nhưng để tạo ra sự tin tưởng đó, chúng ta cần các chế độ quản lý quốc tế thúc đẩy việc tạo ra công nghệ AI thay vì kìm hãm nó", ông nói thêm. "Chúng tôi tin rằng việc quản lý quá mức đối với lĩnh vực AI có thể giết chết một ngành công nghiệp đang chuyển đổi ngay khi nó đang cất cánh".

Theo hãng tin Financial Times, lập trường cứng rắn của Mỹ tại hội nghị xuất phát từ việc Mỹ cũng đang chạy đua để duy trì lợi thế của mình so với Trung Quốc về các phát triển liên quan đến AI, bao gồm sản xuất chip và chatbot.

Sự xuất hiện gần đây của một mô hình AI mới từ DeepSeek của Trung Quốc, tạo ra các đầu ra cấp cao với chi phí thấp hơn nhiều, đã gây chấn động cho các công ty AI hàng đầu của Mỹ như OpenAI.

Và khi được hỏi liệu quyết định của Anh có bị ảnh hưởng bởi lập trường của Mỹ hay không, một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định họ "không biết lý do hay quan điểm của Mỹ" trong vấn đề này. 

Tuy nhiên, một nghị sĩ Công đảng đã bày tỏ lo ngại rằng Anh có rất ít lựa chọn ngoài việc "đi theo quỹ đạo của Mỹ". Ông cũng cảnh báo rằng các công ty AI hàng đầu của Mỹ có thể rút khỏi Viện An toàn AI của Anh nếu chính phủ theo đuổi cách tiếp cận quá chặt chẽ đối với sự phát triển công nghệ.  

Một số tổ chức tại Anh đã không đồng tình với quyết định của các lãnh đạo nước mình, cho rằng điều này có thể làm suy yếu vị thế của nước này trong lĩnh vực AI. Andrew Dudfield, người đứng đầu mảng AI tại tổ chức Full Fact, cảnh báo rằng Anh có nguy cơ đánh mất danh tiếng là "quốc gia đi đầu trong đổi mới AI an toàn, có đạo đức và đáng tin cậy". Gaia Marcus, giám đốc Viện Ada Lovelace, cũng nhận định hành động của Anh "đi ngược lại nỗ lực xây dựng quản trị AI toàn cầu".